Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:31 (GMT +7)
Các bệnh nhiễm trùng thông thường ở trẻ gây viêm não
Thứ 6, 16/06/2023 | 11:26:31 [GMT +7] A A
Viêm não là tình trạng nhiễm trùng của não bộ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do virus, liên cầu khuẩn, siêu vi khuẩn... với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, nôn, cổ cứng, lú lẫn, lơ mơ, co giật, hôn mê...
Nhiều người cho rằng những bệnh thông thường không thể dẫn đến viêm não ở trẻ, tuy nhiên điều này chưa hẳn đúng. Các bệnh nhiễm trùng thông thường vẫn có thể gây biến chứng viêm não ở trẻ. Dưới đây là một số bệnh thường gặp, nếu điều trị không đúng cách, có thể dẫn đến viêm não ở trẻ.
Viêm não do bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh và sẽ có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong, nhưng biến chứng có thể gặp là: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, đôi khi sẽ có viêm não sau sởi, đặc biệt là ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như: Ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2 - 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên, đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao, những mảng đỏ nổi lên, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa này có thể lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước.
Nếu không được chăm sóc điều trị đúng sẽ gây nhiều biến chứng, trong đó có thể gặp là biến chứng viêm não – màng não – tủy cấp. Đây là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao, gặp ở 0,1 – 0,6% bệnh nhân sởi.
Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3 – 6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao, có thể gây co giật, rối loạn ý thức: u ám – hôn mê, liệt ½ người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII hay gặp hội chứng tháp – ngoại tháp, tiểu não, tiền đình… Các nhà nghiên cứu cho là phản ứng dị ứng hoặc là phản ứng miễn dịch bệnh lý.
Ngoài biến chứng trên, trẻ còn có thể gặp các biến chứng về hô hấp như: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi…
Để phòng bệnh sởi, cần vệ sinh đường hô hấp và vệ sinh tay sạch sẽ, che miệng khi ho, hắt hơi, cách ly người bệnh và hạn chế tiếp xúc chỗ đông người. Phòng bệnh hiệu quả nhất bằng cách tiêm vaccine sởi. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đủ 9 tháng tuổi đi tiêm phòng, sau đó nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.
Viêm não do bệnh quai bị
Quai bị do virus Paramyxovirus gây nên. Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên.
Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới, có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống. Các tuyến nước bọt khác, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương.
Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp, nhưng thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể gặp các biến chứng như: Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, nhồi máu phổi, viêm buồng trứng… trong đó có các tổn thương thần kinh. Theo nghiên cứu, viêm não có tỷ lệ 0,5% bệnh nhân có các hiện tượng như: Thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh. Các nghiên cứu cho rằng viêm màng não là biến chứng chiếm khoảng 10 - 35% trường hợp, thường hay gặp nhất ở trẻ nhỏ. Biến chứng này có thể xảy ra đơn độc hoặc sau khi có viêm tuyến mang tai từ 3 - 10 ngày. Biểu hiện của viêm màng não hậu quai bị là sốt cao, đau nhức đầu, nôn, co giật, cứng cổ, dấu Kernig, rối loạn ý thức. Nếu viêm màng não xảy ra sau viêm tuyến mang tai thì dễ liên hệ đến căn nguyên do virus quai bị gây nên.
Để phòng biến chứng quai bị cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc với các dung dịch kháng khuẩn lành tính khác.
Giữ môi trường sống luôn sạch sẽ, thông thoáng khí, thường xuyên vệ sinh các đồ chơi, vật dụng cá nhân. Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sau tiếp xúc nên rửa tay với xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng. Mang khẩu trang khi tiếp xúc ở nơi đông người, những khu vực có nguy cơ lây bệnh cao như bệnh viện. Việc tiêm vaccine sởi quai bị rubella hoặc vaccine quai bị là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh.
Viêm não do bệnh rubella hay còn gọi là sởi Đức
Rubella là một bệnh nhiễm virus cấp tính, dễ lây lan, hay xảy ra ở trẻ em và thanh niên. Nhiễm virus Rubella thường gây ra tình trạng sốt nhẹ và phát ban ở trẻ em và người lớn, nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu, có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh (còn được gọi là hội chứng Rubella bẩm sinh).
Bên cạnh tình trạng đau khớp hoặc viêm khớp có thể xảy ra ở 70% phụ nữ trưởng thành mắc bệnh Rubella, các biến chứng hiếm gặp khác có thể xảy ra bao gồm: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm não...
Ở người bình thường thì không nghiêm trọng, thường không để lại biến chứng. Biểu hiện bên ngoài gần giống sởi: Sốt cao, nổi hạch, phát ban (từ mặt xuống đến ngực, tay, chân, khi xuống đến chân là ban ở mặt bắt đầu bay). Bệnh chỉ nguy hiểm với thai phụ, vì dễ gây dị tật thai nhi.
Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân mắc rubella vẫn có một tỷ lệ nhất định bị biến chứng. Ước tính cứ 10.000 ca mắc thì có 1 - 3 ca biến chứng viêm não. Biến chứng này thường xuất hiện vào ngày 5,6,7 của bệnh khi ban lặn.
Bệnh rubella dễ lây qua đường hô hấp, vì thế, để phòng bệnh cần tiêm phòng đầy đủ, tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi hắt hơi. Khi có biểu hiện sốt, phát ban thì không được tự ý dùng thuốc, mà cần đi khám để xác định chính xác bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()