Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:18 (GMT +7)
Ca sĩ Việt lấy tiền ở đâu để làm live show hàng chục tỷ đồng?
Thứ 2, 24/06/2024 | 15:53:08 [GMT +7] A A
Theo chuyên gia, đa phần chi phí tổ chức live show không chỉ có nguồn đầu tư trực tiếp từ phía nghệ sĩ theo kiểu lời ăn lỗ chịu. Đứng sau các live show tiền tỷ thường là nhãn hàng.
Vài năm trở lại đây, sự bùng nổ các live show hay concert trong nước phản ánh bức tranh khởi sắc của thị trường âm nhạc, sự phát triển của nghệ sĩ cũng như mức chi tiêu cho các hoạt động giải trí từ khán giả.
Khi phân tích sâu hơn, có thể thấy, định hướng làm live show gần đây của các nghệ sĩ có tên tuổi, sức ảnh hưởng đã thay đổi rõ rệt, thể hiện qua nhiều khía cạnh như địa điểm tổ chức, quy mô, giá vé, sự đầu tư về hình ảnh, concept, chất lượng âm nhạc.
Theo chuyên gia, việc nâng cao chất lượng các live show đòi hỏi mức độ đầu tư lớn về nguồn lực tài chính và nhân sự cho khâu tổ chức tới quảng bá. Đa phần chi phí tổ chức live show không chỉ có nguồn đầu tư trực tiếp từ phía nghệ sĩ theo hình thức lời ăn lỗ chịu. Các nghệ sĩ cũng phải cân đối bài toán tài chính, thu hút tài trợ trong ngắn hạn và cả dài hạn đến từ các hợp đồng thương mại, bảo trợ với nhãn hàng, địa phương.
Ai đứng sau những live show hàng chục tỷ đồng
Dễ nhận thấy, việc tổ chức live show của các ca sĩ hàng đầu showbiz Việt dần nới rộng về địa điểm. Trước đây, TP.HCM và Hà Nội thường là hai thành phố được các nghệ sĩ ưu tiên lựa chọn. Song vài năm trở lại đây, nhiều ca sĩ không ngại ngần đem “đứa con tinh thần” của họ đến tổ chức các địa phương khác như Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Ninh, thậm chí là vượt khỏi biên giới của Việt Nam. Gần nhất có concert Sketch A Rose của Hà Anh Tuấn, diễn ra tại Singapore.
Quy mô tổ chức các live show cũng có nhiều thay đổi. Những concert thu hút hàng chục nghìn khán giả yêu nhạc, không còn hiếm như trước. Đơn cử, live show Tri âm của Mỹ Tâm diễn ra vào năm 2022 tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) quy tụ 30.000 người hâm mộ hay Chân trời rực rỡ của Hà Anh Tuấn tại Ninh Bình cũng hút 20.000 khán giả trong hai đêm.
Tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư là chi phí. Một live show tầm cỡ có thể “ngốn” tới hàng chục tỷ đồng. Vì thế, hiếm nghệ sĩ nào có thể tự mình đứng ra tổ chức show hoàn toàn. Thông thường, các ca sĩ sẽ hợp tác với một công ty giải trí hoặc thu hút nhãn hàng, thương hiệu để tổ chức.
Theo TS Nguyễn Văn Thăng Long, Giảng viên Cao cấp ngành Truyền thông Chuyên nghiệp, Đại học RMIT, đối với các nghệ sĩ tên tuổi có lượng fan trung thành và thu hút được một lượng khán giả sẵn sàng đến live show, concert, nhãn hàng sẽ đánh giá khả năng tiếp cận được nhóm đối tượng này và khả năng chuyển đổi thành khách hàng của thương hiệu.
Sự hợp tác với nhãn hàng không chỉ gói gọn cho việc tổ chức live show, mà còn đến từ các điều khoản trong hợp đồng tài trợ/ đại sứ thương hiệu trong một thời gian nhất định. Nếu trường hợp nghệ sĩ đó ký hợp đồng làm đại sứ thương hiệu hay đại diện hình ảnh một thời gian 1 - 2 năm, họ cũng sẽ có các ràng buộc về việc tổ chức live show trong năm. Nhãn hàng được quyền (khéo léo) quảng bá hình ảnh nghệ sĩ một cách gián tiếp hay trực tiếp trong thời gian đó.
Ngoài ra, để tổ chức được một live show âm nhạc lớn, các nghệ sĩ cũng cần có các nguồn tài trợ ngắn hạn trực tiếp đến từ các nhãn hàng khác hay địa điểm tổ chức. Do đó, họ cũng lựa chọn các nhãn hàng, địa điểm có mức độ phù hợp với thương hiệu (brand fit) để đưa ra thông điệp đồng nhất, thu hút đúng đối tượng khán giả mục tiêu.
Ca sĩ được gì sau những live show?
Để chiêu đãi thượng đế âm nhạc những live show mãn nhãn, mãn nhĩ, ngoài sự đầu tư về mặt tài chính, các ca sĩ còn phải bỏ rất nhiều thời gian để chuẩn bị và đối diện nhiều áp lực lẫn rủi ro.
Nếu nhìn tổng quan, dựa trên số vé bán được so với chi phí đầu tư, công sức bỏ ra, có thể thấy số lượng nghệ sĩ có thể lãi lớn từ việc làm live show không nhiều. Thậm chí, không ít trường hợp ca sĩ đối diện bài toán lỗ nặng, phải chạy show bù lỗ sau khi live show kết thúc.
Song trở lại vấn đề đặt ra ban đầu, số lượng live show, concert vẫn bùng nổ ở Việt Nam những năm gần đây. Lúc này, câu hỏi: “Ca sĩ được gì từ những live show?” được đặt ra.
Giải đáp điều này, giám đốc sản xuất Lưu Thiên Hương cho hay việc tổ chức live show giúp khẳng định tên tuổi, đánh dấu sự nghiệp của một nghệ sĩ sau nhiều năm làm nghề, thể hiện sức hút của họ tại thị trường âm nhạc hiện tại. Tinh thần này không thay đổi qua nhiều thế hệ ca sĩ nội địa. Hơn thế, live show cũng là cơ hội để ca sĩ thể hiện năng lực chuyên môn, giọng hát, khả năng trình diễn cũng như kết nối với khán giả. Những nghệ sĩ trình diễn tốt và thu hút sẽ được công chúng quan tâm, dành sự chú ý hơn cho các sản phẩm âm nhạc tiếp theo.
Vì thế, dù khó lãi, các nghệ sĩ vẫn “chịu chơi", bỏ ra số tiền lớn để tổ chức live show, concert.
Chung quan điểm, TS Nguyễn Văn Thăng Long đánh giá ca sĩ Việt được nhiều khi làm live show.
Theo TS, sự phát triển về fandom và khả năng gắn kết với fan của nghệ sĩ là một trong những điểm lợi lớn nhất đối với nghệ sĩ. Concert và live show là nơi nghệ sĩ có thể tương tác trực tiếp với fan, đáp ứng những kỳ vọng của họ. Một chương trình thành công sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ và giúp nuôi dưỡng fandom lớn mạnh, trung thành.
Ngoài ra, việc tổ chức live show được xem là sự đầu tư dài hạn về tầm nhìn phát triển của nghệ sĩ.
"Một live show thu hút được sự quan tâm của công chúng, truyền thông, làm tăng sự yêu thích của fan, tăng lượng khán giả để có thể mở ra các cơ hội triển vọng trong tương lai. Từ đó chuyển đổi thành lợi ích kinh tế như doanh thu streaming, các hợp đồng tài trợ. Ngoài ra, đây cũng là bảo chứng về tính thương mại cho các nghệ sĩ tên tuổi, tạo sự an tâm cho các nhãn hàng trong việc tiếp tục hợp tác với họ sau này", TS Nguyễn Văn Thăng Long cho hay.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()