Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:17 (GMT +7)
'Ca sĩ TikTok': Bạn bè khen xã giao nhưng lại nghĩ có thể thành ngôi sao
Thứ 6, 21/04/2023 | 16:53:34 [GMT +7] A A
"Nghịch ngợm vui vài clip, bạn bè khen xã giao động viên thì thoải mái, tuy nhiên khi bước ra sân khấu live, bạn có đủ sức nhận cả tấn lời chê của khán giả không"?
TikTok phát triển cũng đồng nghĩa với việc các hiện tượng âm nhạc nổi lên từ mạng xã hội này xuất hiện ngày càng nhiều. Khán giả dành nhiều sự yêu thích cho các giọng ca này bởi chất giọng dễ nghe, bản phối mới lạ tạo trend, cách xử lý lôi cuốn. Các sản phẩm âm nhạc thu hút sự chú ý trên nền tảng TikTok gây ấn tượng bởi những đoạn hook bắt tai, điệp khúc dễ thuộc dễ hát theo.
Thế nhưng khi bước ra khỏi phòng thu, các "ca sĩ TikTok" mới khiến cho khán giả "ngẩn tò te" bởi sự thiếu chuyên nghiệp. Hát qua một chiếc điện thoại và việc cầm mic đứng trước hàng ngàn khán giả là 2 điều hoàn toàn khác nhau. Bởi lẽ đó nên cũng vì TikTok, nhiều người được "trèo cao" nên đôi khi cũng có những cú "ngã rất đau".
Ca sĩ ngày càng lười nhờ "bệ đỡ TikTok"
Không thể phủ nhận việc TikTok là bệ đỡ đắc lực giúp các ca sĩ đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với khán giả, thậm chí còn xuyên biên giới. Ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh trở thành hiện tượng âm nhạc khi gây sốt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ giới trẻ ở các nước mà nhiều ngôi sao, vận động viên quốc tế cũng bày tỏ sự yêu thích đặc biệt đối với giai điệu của ca khúc, liên tục học theo vũ đạo của Hoàng Thùy Linh qua video clip đăng tải lên các nền tảng xã hội.
Với xu hướng làm nội dung ngắn, các bài hát muốn thành công phải có giai điệu bắt tai. Điều này kéo theo sự lên ngôi của những sản phẩm được làm theo kiểu “mỳ ăn liền”, không được đầu tư một cách bài bản và hoàn chỉnh. Đó chỉ là những đoạn riêng biệt dễ "lên" thành xu hướng. Chính điều này khiến cho thế hệ ca sĩ ngày nay bị lười sáng tạo. Vì đôi khi sản phẩm của họ chỉ chăm vào việc tạo trend để kịp bắt xu hướng hơn là đầu tư chỉn chu cho từng giai điệu, lời ca khúc như trước.
Từ cánh cửa TikTok, một số ca khúc Việt đã vụt sáng khi gây sốt trên mạng xã hội tại nhiều quốc gia. Nhưng nhìn lại sẽ thấy các ca khúc này giống nhau ở chỗ phiên bản gây sốt đa số đều thuộc thể loại vinahouse với tiết tấu, cấu trúc "hao hao" nhau.
Thực trạng này dẫn đến một hệ quả, đó là tuy nhạc Việt đã có sản phẩm gây chú ý trên thị trường quốc tế, nhưng độ nhận diện còn thấp. Họ dễ dàng lẩm bẩm hát theo giai điệu của một bản audio đang phổ biến trên TikTok, nhưng liệu bấy nhiêu có đủ giúp họ ghi nhớ rằng sản phẩm ấy đến từ Việt Nam?
Và theo xu thế, hàng loạt ca khúc chưa được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật ra đời trong năm qua với ca từ vô nghĩa, mục đích chỉ để "phục vụ" cho TikTok. Thậm chí là nhiều ca sỹ có tên tuổi đã chạy theo xu hướng này để cho ra đời những ca khúc bắt kịp trend. Có thể kể đến hàng loạt sản phẩm như Ừ em xin lỗi (Hoàng Yến Chibi), Tất cả đứng im (Ngô Kiến Huy), Sashimi (Chi Pu)...Một trong những mục đích chủ yếu của loạt ca khúc này là để tạo trend trên TikTok.
Hay mới đây nhất, Dương Hoàng Yến trở lại với một sản phẩm mới mang tên Cân cả thế giới. Thay vì chọn một ca khúc ballad sở trường, lần trở lại này của nữ ca sĩ lại hướng tới thị trường TikTok. Ca khúc được viết theo cấu trúc không có điệp khúc. Phần cao trào của ca khúc được đặt vào drop, tương tự những hit của DTAP khi kết hợp cùng Hoàng Thùy Linh. Với những ca khúc kiểu này, phần đất cho ca sĩ bị hạn chế vì chỉ tập trung vào âm nhạc và vũ đạo.
Được xếp vào nhóm ca sĩ thực lực của nhạc Việt với nền tảng âm nhạc chắc chắn và hoạt động nghiêm túc trong nghề, tuy nhiên nước đi này của Dương Hoàng Yến có vẻ như đã sai lầm.
Thấy gì từ thế hệ "ca sĩ TikTok"?
Chính bởi lý do "dễ nghe dễ nổi" mà hàng loạt những ca khúc được ra đời, nổi đình nổi đám trên TikTok. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người bỗng dưng nổi tiếng và nghiễm nhiên trở thành ca sĩ. Với kỹ thuật ghi âm hiện đại, phòng thu có thể biến một giọng ca bình thường trở thành một giọng ca xuất sắc. Có cơ số những cái tên đang sống nhờ kỹ thuật ghi âm hiện đại này dù giọng ca không có gì đặc biệt.
Thời gian qua, có những hiện tượng âm nhạc từ TikTok như Đình Dũng, Chu Thúy Quỳnh, Xuân Mạnh, Choco…nghiễm nhiên được gọi là ca sĩ chỉ vì có những ca khúc "làm mưa làm gió" trên TikTok.
Với những "ca sĩ" mới vào nghề này thì việc tung ra những single đầu tay để giới thiệu giọng hát của mình trước khi biểu diễn trực tiếp trên sân khấu là một thủ thuật được tận dụng khá phổ biến.
Là một TikToker nổi tiếng, Tun Phạm vừa có màn “đánh úp” người hâm mộ khi bất ngờ tung poster thông báo sẽ debut làm ca sĩ, thử sức bản thân ở lĩnh mới. Theo đó, MV debut đầu tay của chàng trai 9x cũng được tung ra vào ngày 27/4 sắp tới. Không ít lần Tun Phạm đã để lộ giọng hát của mình thông qua những clip anh đăng tải trên trang cá nhân, song chưa từng có lần nào anh cất giọng nghiêm túc.
Chưa cần biết sản phẩm âm nhạc của Tun Phạm sẽ ra sao, tuy nhiên việc anh ra mắt một MV âm nhạc, quyết định trở thành một ca sĩ khiến cho nhiều khán giả không khỏi hoang mang bởi sự dễ dãi của danh xưng từng được rất trân trọng này.
Phạm Lịch cũng là một trường hợp như vậy. Xuất thân là một vũ công, Phạm Lịch gây chú ý khi lấn sân sang lĩnh vực ca hát, tung sản phẩm âm nhạc đầu tay mang tên Là anh. Đây là bản cover từ ca khúc gốc của Mộng Nhiên, viết lại lời Việt. Bản cover gây sốt trên TikTok và MV của cô hút hơn 15 triệu lượt xem sau một tháng. Là anh nổi lên bằng sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Phần điệp khúc của Là anh thành xu hướng, được chèn vào nhiều video trên TikTok.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Phạm Lịch không mang bản hit của mình lên sân khấu. Cô khiến người xem thất vọng bởi giọng hát live với nhiều khuyết điểm. Trên sân khấu, Phạm Lịch hát chông chênh, chưa điều tiết hơi thở nhịp nhàng và cách xử lý không thuyết phục những người đến để thưởng thức âm nhạc.
Phạm Lịch hát không quá tệ, tuy nhiên để được gọi là ca sĩ thì vẫn chưa đủ. Ngoài ra, kinh nghiệm hát trên sân khấu của cô tương đối kém. Điều này dẫn đến sự ổn định trong giọng hát không được duy trì khi hát live.
Chu Thuý Quỳnh cũng từng gây nhiều tranh cãi bởi giọng hát thật. Khi đem bản hit của mình lên sân khấu lớn, cô cũng làm khán giả "vỡ mộng" khi xử lý các ca khúc không được như mong đợi. Cô nàng hát khá chông chênh và hơi thở điều tiết chưa thực sự ổn định, dẫn tới giọng hát chưa được mượt mà như trong phòng thu.
Hay như Xuân Mạnh, một Hot TikToker cũng bị loạt thẳng ngay tại vòng casting The Voice 2023 dù trên mạng xã hội có hơn 500 nghìn người theo dõi yêu thích giọng hát của anh. Điều này chứng minh một điều TikTok đang quá dễ dãi với những ca sĩ mạng, tuy nhiên dù vậy vẫn không thể che đi được những lỗ hổng về nội dung sáo rỗng, thiếu chỉn chu của giọng hát.
Chính vì thế, danh xưng "ca sĩ" thực sự cần một quá trình dài để nỗ lực, phấn đấu nhằm giúp giọng hát ngày càng phát triển hơn thay vì chỉ đình đám nhờ một vài bản hit trên nền tảng TikTok.
"Mơ mộng viển vông, ảo tưởng là mình hát hay rất tội nghiệp"
Trả lời VTC News về hiện tượng nở rộ các "ca sĩ TikTok", ca sĩ Thuỳ Dung - Giảng viên Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam cho rằng việc trở thành ca sĩ là một ma lực với nhiều bạn trẻ, trong đó phần lớn là những bạn học văn hoá chưa chuyên cần lắm nhưng lại tìm một con đường dễ dàng, không mất công mà thu nhập tốt.
"Tôi nói là phần lớn, không phải là tất cả. Tuy nhiên, thực tế này qua nhiều năm theo dõi, nhận đào tạo các bạn trẻ tôi đã thấy như vậy. Đã có nhiều bạn trẻ đi cùng bố mẹ tìm đến tôi với mong muốn theo con đường ca hát chuyên nghiệp, nghe các em ấy thử giọng, tôi đã phải khuyên nhủ tạm gác ước mơ lại vì quá nhiều em giọng yếu, hát chênh phô và nhiều yếu tố chưa phù hợp. Nếu tôi cứ nhận một khoản học phí to đùng các bố mẹ gửi gắm hết vào cô thì tôi sẽ làm uổng phí cả thanh xuân của các bạn ấy, mà lẽ ra quãng thời gian ấy theo đuổi mục đích khác sẽ có ích hơn cho cuộc đời.
Các bạn ấy không hiểu về năng lực của mình, các bố mẹ chiều con, sợ đụng chạm sẽ đấu đầu rồi con có những hành động thiếu tích cực. Tôi đã gặp những ánh mắt ầng ậng nước nhìn tôi đầy bất lực khi không ngăn được con theo đuổi mong muốn của mình. Nhìn các con chỉ tốt nghiệp lớp 12 cho có, không học nghề, không học trung cấp, đại học mà cứ mơ mộng viển vông khi giọng không có nhưng ảo tưởng là mình hát hay rất tội nghiệp. Đây là sản phẩm bị ảnh hưởng từ thế giới mạng, thấy làm ca sĩ dễ quá, nhanh giàu quá mà xót xa", nữ ca sĩ chia sẻ.
Ca sĩ, giảng viên Thuỳ Dung cho rằng "vui thôi, đừng vui quá" là điều mà những nghệ sĩ, giáo viên như cô muốn học trò của mình nắm được. Cô chia sẻ: "Nghịch ngợm vui vài clip, bạn bè khen xã giao động viên thì thoải mái. Tuy nhiên khi bước ra sân khấu live, bạn có đủ sức nhận cả tấn lời chê của khán giả không? Khán giả ngày nay rất khó tính, không phải sẽ nói những lời nhẹ nhàng, có những người rất phũ miệng thì sợ rằng các bạn sẽ khó chịu nổi áp lực.
Khán giả rất công bằng. Họ đòi hỏi phải được tôn trọng khi bạn đã tự nhận danh xưng là ca sĩ. Mà điều đó thì phải có thực lực, có rèn luyện và phải có lòng tự trọng nghề nghiệp. TikTok có thể giúp các bạn nồi tiếng bằng 1 đoạn nhạc nhỏ nhưng khán giả nghe bằng cả nhiều bài hát trọn vẹn không gian dối, tức là không hát nhép".
Nữ ca sĩ nói không có phép thuật gì giúp nghệ sĩ lừa dối được khán giả mãi nên nếu muốn trở thành ca sĩ, hãy nghe lời góp ý thật lòng từ những người có chuyên môn. "Hãy luyện tập siêng năng, cầu tiến, trang bị các kiến thức về âm nhạc đầy đủ để trở thành một ca sĩ thực lực, thực tâm và thực tài. Đó là cách những người trong nghề tôn trọng các bạn và khán giả sẽ yêu thương các bạn như đã yêu thương các ca sĩ thế hệ chúng tôi", cô nhắn nhủ.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()