Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:23 (GMT +7)
Ca sĩ quên lời, hát chênh phô là lười tập và không tôn trọng khán giả
Thứ 2, 05/09/2022 | 22:28:21 [GMT +7] A A
Trong một chương trình nghệ thuật mới đây, ca sĩ Khánh Thy trình diễn ca khúc Mười chín tháng tám (sáng tác: nhạc sĩ Xuân Oanh). Tuy nhiên, ca sĩ hát chênh, phô và liên tục quên lời. Khánh Thy nhiều lần phải nhìn xuống bàn tay có chép sẵn lời. Ở một số đoạn, nữ ca sĩ thậm chí bỏ qua phần hát vì quên hẳn lời.
Video ghi lại tiết mục của Khánh Thy lan truyền trên mạng xã hội và gây bức xúc. Khán giả chỉ trích Khánh Thy thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng nghề nghiệp. Trao đổi với PV, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường và giáo viên thanh nhạc kiêm cố vấn của nhiều chương trình Nguyễn Hoàng Mỹ Ngọc cho rằng Khánh Thy nên rút kinh nghiệm đồng thời xin lỗi nghiêm túc tới khán giả.
Việc quên lời quá nhiều là không tôn trọng nhạc sĩGiáo viên thanh nhạc Nguyễn Hoàng Mỹ Ngọc cho biết không riêng cô mà nhiều đồng nghiệp không chấp nhận được việc ca sĩ quên lời, nhìn tay khi biểu diễn. Với truyền hình trực tiếp, những người tham gia phải hiểu được tầm quan trọng của chương trình. Từ đó, ca sĩ có mức đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Việc ca sĩ hát quên lời, vừa hát vừa nhìn bàn tay trên sóng truyền hình chứng tỏ chuẩn bị chưa tốt và xem thường mức độ quan trọng của một chương trình trực tiếp.
“Những chương trình trực tiếp lại mang tính chất về dân tộc, đất nước đôi khi có sáng tác mới. Có thể các bạn ca sĩ không đủ thời gian chuẩn bị. Nhưng trong trường hợp đó, ca sĩ có thể từ chối tham gia hoặc bàn bạc kỹ lưỡng với ban tổ chức để thực hiện tốt hơn. Hơn nữa, các chương trình đều làm việc ít nhất 4,5 ngày trước khi phát sóng. Nhiều nghệ sĩ hiện giờ không quá chú tâm vào việc chuẩn bị. Các anh chị đi trước mỗi khi nhận chương trình đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ai trong nghề này cũng hiểu đó là việc phải làm của nghệ sĩ”, chị Nguyễn Hoàng Mỹ Ngọc nhấn mạnh.
Nữ giáo viên thanh nhạc bày tỏ: “Một nhạc sĩ khi viết bài hát rất trau chuốt phần lời. Các nhạc sĩ mới có thể không quá khó khăn. Nhưng nhiều anh chị nhạc sĩ thuộc thế hệ đi trước có thể giận khi ca sĩ hát sai một, hai từ vì họ đã dồn nhiều tâm huyết với đứa con tinh thần. Tôi từng mắng học trò vì giới thiệu tên bài hát thiếu chỉ một chữ. Việc ca sĩ quên lời quá nhiều là không tôn trọng chất xám của nhạc sĩ”.
Theo giáo viên thanh nhạc, việc ca sĩ chép lời ra tay không hiếm ở Vpop. Nhưng việc này có thể cảm thông trong trường hợp ca sĩ chép lời ra tay để tự tin hơn.
“Nhiều anh chị chép lời chỉ để họ an tâm hơn khi biểu diễn. Về cơ bản, họ đã nắm được ít nhất 90% ca từ bài hát nhưng chép lời vì có thể họ thấy bất an. Việc chép ra tay chỉ vài đoạn lời hoặc để tranh thủ học trong cánh gà là có. Nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào viết lời ra tay rồi xem một cách lộ liễu như vậy. Việc này quá sai, không thể giải thích được”, chị Mỹ Ngọc nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường có cùng quan điểm với giảng viên thanh nhạc Mỹ Ngọc. Trao đổi với Zing về trường hợp ca sĩ Khánh Thy, anh cho biết: “Tôi không biết bạn ca sĩ đó có vấn đề bất khả kháng gì không. Việc một ca sĩ không thuộc lời và biểu diễn trong chương trình trực tiếp mang yếu tố lịch sử là thiếu tôn trọng với chương trình, khán giả lẫn cả bài hát”.
Nhạc sĩ Hoa nở không màu cho rằng ca sĩ khó tránh khỏi quên lời vì sức khỏe hoặc nhiều lý do khác. “Tuy nhiên, khi xem video, tôi thấy bạn ca sĩ cố tình chuẩn bị sẵn lời để xem. Có thể thấy bạn ấy chưa có ý thức học thuộc lời để biểu diễn. Đây là sai sót bạn phải rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ bạn nên có lời xin lỗi đúng mực cho sự việc lần này. Với các chương trình trực tiếp, ca sĩ xưa nay đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng”.
Ca sĩ trẻ không chịu khó luyện tậpVề vấn đề ca sĩ hát chênh phô, giáo viên thanh nhạc Mỹ Ngọc cho biết có nhiều lý do, đầu tiên là chất lượng âm thanh. Chị cho rằng không nhiều chương trình ở Việt Nam hiện giờ đảm bảo chất lượng về âm thanh. Nhiều khi các ca sĩ trong chương trình không nghe được nhạc dẫn đến bị lạc nốt.
“Tuy nhiên, nhiều ca sĩ hiện giờ không khắt khe với bản thân. Các bạn không chịu khó luyện tập như thế hệ ca sĩ đi trước. Do đó, kỹ thuật của các bạn chưa đủ ổn định dẫn đến lúc hát tốt, lúc không và xảy ra tình trạng chênh phô”, chị Mỹ Ngọc nhận định.
Giáo viên nói thêm: “Đương nhiên, nhu cầu giải trí của khán giả hiện giờ rất khác xưa. Khán giả có thể thích nghe những bài nhạc thoải mái. Và với những bài hát mang tính giải trí, ca sĩ dùng nhiều kỹ thuật quá cũng nặng nề và không hợp lý. Tuy nhiên, tôi vẫn nói với học trò là phải nhìn chặng đường dài hơn. Ở tuổi hiện tại, các bạn thể hiện vừa vặn những ca khúc nhạc trẻ. Nhưng vài năm nữa, ca sĩ liệu có đủ kỹ thuật để hát những bài hát trưởng thành, khó hơn. Tôi mong các bạn nhìn xa hơn để có thể sống với nghề một cách lâu dài”.
Trở lại trường hợp của ca sĩ Khánh Thy, giáo viên Nguyễn Hoàng Mỹ Ngọc cho rằng nếu người thể hiện có tự trọng nghề nghiệp thì phải thẳng thắn từ chối tham gia nếu không tự tin đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Hướng giải quyết duy nhất trong những tình huống như vậy là tập luyện và chuẩn bị thật tốt.
Khi được hỏi về trách nhiệm của nghệ sĩ với các tiết mục, chị Mỹ Ngọc trả lời: “Mỗi phần trình diễn diễn ra, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất thuộc về người nghệ sĩ. Không nên đổ lỗi cho bất cứ điều gì bởi lựa chọn diễn hay không thuộc về nghệ sĩ. Bao nhiêu khán giả xem nghệ sĩ chứ họ không biết vấn đề sản xuất chương trình như thế nào".
"Nói về vấn đề này, tôi thấy khá buồn với một số bạn nghệ sĩ trẻ. Tôi mong mọi người có ý thức rằng với mỗi chương trình hay clip được đăng tải, giọng hát của họ sẽ được lưu lại suốt nhiều năm. Do đó, tôi hy vọng các bạn chuẩn bị một cách tốt nhất thay vì để lại những dấu ấn không tốt đẹp trong khán giả”, giáo viên thanh nhạc nhấn mạnh.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()