Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:36 (GMT +7)
'Ca sĩ mặt nạ' rồi lại đi vào vết xe đổ?
Thứ 4, 02/11/2022 | 08:40:51 [GMT +7] A A
"Ca sĩ mặt nạ" minh chứng rõ nét gu giải trí của khán giả Việt. Có thể nói chương trình khắc phục được hạn chế của những game show ca nhạc trước đây - đúng tính chất thi thố lại phát trực tiếp nên chất lượng các tiết mục thường trồi sụt - để đưa đến những màn trình diễn dàn dựng công phu nhất có thể. Nhưng khán giả vẫn nghi ngờ chương trình rồi sẽ lại đi vào “vết xe đổ” dàn xếp kết quả.
Tại các cuộc thi hát truyền hình, thí sinh mắc lỗi là chuyện bình thường. Âu cũng là một kiểu “giải trí”, xem có độ “gay cấn” riêng. Nếu có gì đáng thất vọng thường là kết quả thiếu thuyết phục.
Ca sĩ mặt nạ với những “thí sinh” không những chuyên nghiệp mà còn nổi tiếng đem lại những màn trình diễn khá đã tai và đặc biệt lạ mắt. Vì người hát giấu mình hoàn toàn sau bộ đồ hóa trang được thiết kế và trang trí công phu. Nhưng sau những “choáng ngợp”, “ồ à” ban đầu, khán giả hiểu rằng họ đang được xem những màn trình diễn được xử lý âm thanh hậu kỳ kỹ lưỡng.
Chương trình cũng làm dấy lên những nghi vấn về giọng thật, giọng sau khi xử lý. Trong khi BTC một mực khẳng định ca sĩ hát sống, hát trực tiếp tại chỗ. Họ nói cũng không hẳn là sai. Vì chương trình không phát trực tiếp, nhà sản xuất đương nhiên có quyền cắt dựng sao cho hay nhất có thể.
Chương trình không có đêm thi nào được phát trực tiếp đâm ra chất lượng thanh nhạc tiếp tục được đảm bảo. Còn tại buổi hòa nhạc tổng kết tụ họp tất cả 15 người chơi, nếu khán giả có thất vọng với ai đó sau khi bỏ mặt nạ, bỏ các kỹ xảo phòng thu thì khi ấy chương trình đã kết thúc và nhà tổ chức thu bộn tiền rồi.
Về sự khác biệt giữa giọng thật của ca sĩ và giọng trong chương trình có thể coi Noo Phước Thịnh là trường hợp tiêu biểu. Khi hát dưới lốt Hoàng Tử Rồng, giọng anh trở nên thanh thoát, mượt mà, đều đặn từ thấp lên cao - có khoảng cách nhất định với giọng của chính anh ở những lần hát trực tiếp khác. Cho nên mới nói nếu chương trình muốn thì không chỉ ngoại hình mà giọng hát của người chơi cũng có thể được ngụy trang đáng kể.
Ở một số phiên bản nước ngoài, chương trình được thiết kế để vui là chính. Và trong nhiều trường hợp, chắc chắn khán giả không thể đoán được người giấu mặt là ai vì họ hát có thể rất hay nhưng không phải ca sĩ chuyên nghiệp. Vì thế yếu tố bất ngờ được đảm bảo gần như 100% khi mặt nạ được mở ra. Còn ở Việt Nam, khán giả và đặc biệt là ban cố vấn nhiều khi biết thừa giọng hát sau mặt nạ là của ai, nhưng cứ phải vờ như không biết, thậm chí tung hỏa mù để giữ sự hấp dẫn cho chương trình.
Dù sao cuộc thi vẫn là cuộc thi. Và kết quả cuối cùng vẫn mang tính quyết định tầm vóc của chương trình. Sau hai lần chương trình để cho kết quả bình chọn của hai thí sinh giống nhau đến 0,01%, khán giả bắt đầu có cơ sở nghi ngờ về khả năng dàn xếp ai vào, ai ra. Tuy nhiên mỗi lần BTC lại đưa ra một cách xử lý khác hẳn. Lần đầu, rất nhanh gọn, MC kêu các cố vấn và khán giả bình chọn lại để loại Phi Hành Gia Heo. Lần hai, O Sen và Tí Nâu bằng điểm nhau nhưng không ai bị loại.
Có thể thấy BTC rất linh động trong việc thích ứng với thực tế. Họ liên tục thay đổi luật chơi, lịch phát sóng… Sau đêm bán kết “hòa cả làng”, họ tính gộp luôn chung kết vào đêm trình diễn trực tiếp bán vé. Nghĩa là cốt giữ kín nhân thân top 4 đồng nghĩa với giữ sự háo hức trong khán giả càng lâu càng tốt.
Nhưng sau thấy sự háo hức có nguy cơ chuyển sang “bực tức”, họ lại quyết định mở đêm chung kết trên truyền hình vào tối 5/11 để loại một người chơi. Như thế có phải là “tự dưng” chương trình có thêm một số phát sóng chắc chắn sẽ thu hút lượt xem khủng, tha hồ bán quảng cáo. Đồng thời đêm trình diễn trực tiếp vẫn được coi là đêm thi với ba bí mật to đùng sẽ được “bật mí”. Nhiều “fan cuồng” của chương trình lại có thêm động lực để bỏ tiền mua vé xem màn gỡ mặt nạ?!
Chương trình vẫn tiếp tục hoàn thiện format trong quá trình diễn ra.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()