Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:48 (GMT +7)
Ca sĩ Khánh Ly: Tôi trở về trả nợ yêu thương
Thứ 3, 14/07/2020 | 15:38:04 [GMT +7] A A
“Tôi trở về để tạ ơn quê hương, tạ ơn người thân, tạ ơn bạn bè, tạ ơn quý khán thính giả, tạ ơn cả những em bé và người già neo đơn... - những người đã yêu thương tôi, cho tôi cuộc đời này và cho tôi được hát đến tận ngày hôm nay!”. Đó là sự trải lòng tâm sự của danh ca Khánh Ly trong lần bà trở về thăm Đà Nẵng, mảnh đất như lời bà nói là “hiền lành lắm, tử tế lắm” và cũng là mảnh đất đã lưu dấu nhiều kỉ niệm buồn vui cái thời bà về làm dâu xứ Đà thành trong 7 năm ngắn ngủi.
Cũng như nhiều người yêu nhạc Trịnh Công Sơn, tôi yêu tiếng hát Khánh Ly, yêu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vào những năm 90 của thế kỉ trước, sinh viên Văn khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi hầu như đứa nào cũng nghiền nhạc Trịnh. Vào những đêm đông mưa phùn gió bấc, trong căn phòng lạnh lẽo đìu hiu của khu kí túc xá Mễ Trì, tiếng hát nồng nàn, tình ái đầy mê hoặc của Khánh Ly phát ra từ chiếc casset cũ mèm những ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn qua băng nhạc Sơn Ca 7 không chỉ làm dậy lửa yêu đương mà còn đưa tâm hồn lãng mạn của những chàng trai sinh viên Văn khoa xa nhà đến với những khung trời mơ mộng.
Lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy ca sĩ Khánh Ly bằng xương bằng thịt ở ngoài đời là vào dịp bà về biểu diễn ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình vào năm 2014, và đó cũng là chuyến trở về biểu diễn đầu tiên của bà tại Việt Nam sau mấy chục năm xa quê nơi xứ người. Lần gặp ấy, tôi chỉ có cơ hội được đứng từ xa, làm khán giả để thả hồn mình vào từng lời ca của người nghệ sĩ mà mình hằng ái mộ và ngưỡng vọng.
Bẵng đi một thời gian khá dài, tôi lại được gặp bà trong đêm nhạc "The Best of Khánh Ly: Tạ ơn" vừa diễn ra ở Đà Nẵng. Lần gặp này, tôi lại có cái may mắn lớn là được trò chuyện, được cùng đi với bà đến nhiều nơi qua những chuyến thiện nguyện và ca hát.
Những năm gần đây, ca sĩ Khánh Ly thường xuyên trở về Việt Nam tổ chức nhiều show diễn lớn để phục vụ đồng bào trong nước, và tham gia nhiều chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của ca sĩ Quang Thành, người có công kết nối và tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật lớn cho các nghệ sĩ tên tuổi ở hải ngoại về biểu diễn trong nước, bà đã và đang tham gia rất tích cực vào chương trình “Vòng tay nhân ái” kết hợp biểu diễn âm nhạc với thiện nguyện để giúp đỡ trẻ mồ côi và người già neo đơn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhờ đó, bà đã được đi nhiều nơi, được thỏa lòng ca hát và được làm những việc có ích cho đồng bào, cho đất nước.
Nói đến Khánh Ly là nói đến một hiện tượng đặc biệt của nền tân nhạc Việt Nam. Và đúng như nhạc sĩ Phú Quang đã từng nói: "Nếu tiếng hát của Thái Thanh là kim cương chói lọi 7 sắc cầu vồng và Lệ Thu là ngọc ruby lộng lẫy máu lửa, thì Khánh Ly chính là ngọc emerald lung linh lục thúy thâm trầm".
Trong lịch sử nền thanh nhạc Việt Nam suốt nửa thế kỉ qua, chúng ta đã chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn giọng hát hay xuất hiện nhưng tiếng hát Khánh Ly thì có một và chỉ một mà thôi. Bởi vậy, trước và kể cả sau năm 1975, không chỉ trong giới ca sĩ hải ngoại mà kể cả trong nước, Khánh Ly được xem như một tượng đài ca hát nhờ chất giọng lạ hiếm có.
Gần 60 năm theo nghiệp ca hát, bà đã để lại dấu ấn không thể nhòa phai trong lòng người ái mộ với hàng trăm ca khúc đi vào lòng người. Đặc biệt, khán thính giả trong và ngoài nước mãi mãi sẽ chẳng thể nào quên một Khánh Ly với chất giọng nồng nàn, da diết qua những ca khúc viết về tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, một Khánh Ly khắc khoải và đầy lòng trắc ẩn với những bài ca phản chiến của Trịnh Công Sơn.
Cái chất giọng mezzo alto (nữ trung trầm) trầm khàn đặc trưng cùng với thói quen hay hút thuốc lá dường như khiến cho giọng hát của bà trở nên rất lạ. Giọng ca đặc biệt của Khánh Ly như quyện lấy từng ca từ thấm đẫm tính triết lí và giàu chất thơ của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn để tạo nên những thanh âm, giai điệu mê hoặc đến mức khiến cho người nghe đôi lúc cảm thấy rùng mình vì sức cảm quá lớn.
Khánh Ly hát và thăng hoa với nhạc Trịnh bằng lối hát tự nhiên, không phô phang kĩ thuật nhưng cũng chẳng yếu mềm, ủy mị. Bà hát tự nhiên như kẻ du ca, như người kể chuyện nhưng luôn khiến cho người nghe day dứt, ám ảnh bởi chất giọng đầy ma mị và mê hoặc của mình. Bản thân ca sĩ cũng đã có lần tự nhận là “đã hát đến hơn nửa thế kỉ nhưng không hề biết một nốt nhạc nào”. Còn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét tiếng hát Khánh Ly là "ngang phè phè" nhưng “rất tròn vành rõ chữ, không có chút kĩ thuật, hoàn toàn mộc mạc, bản năng nhưng cảm nhận có sức hút ghê gớm”, tiếng hát ấy “rất đặc biệt” và chỉ hợp nhất với nhạc Trịnh Công Sơn “như là trời sinh ra một cặp như vậy”. Có lẽ, cái sự lạ và đặc biệt ấy đã ngấm vào máu, vào từng hơi thở để tạo nên một chất giọng Khánh Ly giống như thứ chất gây nghiện đối với người yêu nhạc Trịnh.
Những ca khúc giàu chất thơ và thấm đẫm tính triết lí của Trịnh Công Sơn được thổi hồn qua giọng hát giàu tính tự sự của Khánh Ly không chỉ đưa người nghe quay trở về với một khung trời hoa bướm ngày xưa, với những câu chuyện tình yêu đôi lứa nồng nàn, với những nỗi niềm chiêm nghiệm về cuộc sống, mà với cả những tình cảm yêu thương da diết về quê hương, đất nước, giống nòi...
Vì thế, nhắc đến Khánh Ly là phải nhắc đến Trịnh Công Sơn, nhắc đến những album vang bóng một thời như: Sơn Ca 7, Ca khúc da vàng, Như cánh vạc bay, Cỏ xót xa đưa, Hạ trắng... Hàng nghìn bài báo, hàng chục cuốn sách đã viết về Khánh Ly, về cuộc đời bà với nhạc Trịnh Công Sơn. Thậm chí xoay quanh cuộc đời bà và người nhạc sĩ tài danh họ Trịnh còn có rất nhiều giai thoại đẹp mà cho đến nay, có lẽ chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu được.
Sự nghiệp của Khánh Ly gắn với nhạc Trịnh Công Sơn như hơi thở với sự sống. Nó như một thứ định mệnh, như thể Khánh Ly sinh ra để hát nhạc Trịnh Công Sơn, và ngược lại Trịnh Công Sơn có trên cõi đời này là để dành riêng cho Khánh Ly. Chẳng thế mà Khánh Ly đã nhiều lần tâm sự rằng, bà chịu ơn Trịnh Công Sơn quá nhiều. Nhờ ông mà bà được mọi người yêu thương cho đến tận mãi bây giờ. Có lẽ vì vậy, nhiều người đã ví Khánh Ly - Trịnh Công Sơn là một cặp trời cho, cũng giống như đôi nghệ sĩ huyền thoại người Mỹ Bob Dylan và Joan Baez vốn sinh ra là để dành cho nhau vậy.
Cuộc đời của ca sĩ Khánh Ly cũng mang nhiều âm hưởng đục trong giống như những ca khúc mà bà đã thể hiện trong suốt cả cuộc đời mình. Sau năm 1975, bà rời quê hương, theo gia đình sang định cư ở Mỹ. Những tưởng cuộc ra đi lần ấy sẽ là cuộc ra đi “không hẹn ngày về” với vô vàn lí do của thời cuộc và của cả chính những nỗi niềm riêng của người trong cuộc. Thế rồi, Khánh Ly cũng đã trở về, tuy hơi muộn nhưng được đền đáp bằng một cuộc hạnh ngộ không thể nào quên với hàng nghìn khán giả trong nước tại đêm diễn ấn tượng đầu tiên vào năm 2014 ở Hà Nội, tức sau gần 40 năm xa quê hương Việt Nam. Từ đó đến nay, Khánh Ly đã nhiều lần trở về Việt Nam, và lần nào trở về bà cũng cảm thấy được khán giả yêu thương, được quê hương đón chào.
Khánh Ly trở về như một lẽ tự nhiên mà bà từng nói. Đó là “lá rụng về cội”, và quê hương là “một cõi đi về” (tên một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - PV). Vì vậy, giờ đây, khán giả không chỉ được thấy một Khánh Ly chất chứa nhiều kỷ niệm mà còn có cả một Khánh Ly rạng rỡ với những nụ cười tươi khi tìm lại được bến bờ hạnh phúc, ấm áp trên quê hương dấu yêu sau một kiếp du ca ra đi để trở về.
Theo THÁI HOÀNG/laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()