Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:28 (GMT +7)
Cà phê Việt hướng mốc 5 tỷ USD xuất khẩu
Thứ 4, 17/01/2024 | 09:50:00 [GMT +7] A A
Thương hiệu cà phê Việt đang hướng đến mốc kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD trong năm 2024.
Có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ
Trong năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt 1,61 triệu tấn, kim ngạch tăng 3,1% và giá trị lên mức cao kỷ lục là 4,18 tỷ USD. Hiện tại cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta cũng đã kín đơn hàng cho tới hết quý I/2024. Để duy trì đà tăng trưởng này các doanh nghiệp, cà phê Việt Nam đã mở rộng thị phần sang một số thị trường mới, cùng với đó ở những thị trường quen thuộc như tại châu Âu, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước để đáp ứng những quy định mới.
Cà phê Robusta và Arabica của Tập đoàn Phúc Sinh hiện đang có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 80.000 tấn cà phê, trong đó xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm tới 65%.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu với một số thị trường mới, giúp doanh thu tăng trưởng tốt và kín đơn hàng cho đến hết quý I năm 2024.
Để giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu, trong năm 2024, Hiệp hội Cà phê - Ca cao sẽ nỗ lực để ngày càng nhiều doanh nghiệp thành viên đạt các chứng nhận sản xuất hữu cơ như chứng nhận Organic, Liên minh Rừng mưa (Rainforest Alliance) hay UTZ.
Năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với các doanh nghiệp do kinh tế thế giới nhiều biến động.
Ngoài ra, quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm, thị trường này sẽ cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản được trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, vì thế các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị hồ sơ để chứng minh nguồn gốc cà phê của mình. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp nào không chuẩn bị tốt hồ sơ sẽ bị thay thế bởi các nhà cung ứng khác.
Chất lượng hơn sản lượng
Với việc Liên minh châu Âu siết chặt kiểm soát nguồn gốc cà phê, sản lượng cà phê tiếp tục giảm trong niên vụ 2023 - 2024, các doanh nghiệp đã từng bước thay đổi chiến lược kinh doanh. Thay vì chạy theo sản lượng thì giờ những nhà sản xuất tập trung vào việc nâng cao chất lượng, qua đó gia tăng giá trị cho ngành hàng cà phê trong năm 2024.
Vĩnh Hiệp Gia Lai - doanh nghiệp thuộc top đầu cả nước về xuất khẩu cà phê. Không chỉ liên kết với hơn 11.000 hộ nông dân vùng nguyên liệu, mà đây còn là doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tự động, khép kín.
Nhờ giá tăng, cộng với nguồn nguyên liệu ổn định, nên mỗi ngày nhà máy sản xuất hơn 1.000 tấn cà phê của doanh nghiệp nay đã đáp ứng đơn hàng cho các đối tác.
"Công ty đánh giá tình hình thiếu hụt và mất mùa từ nông dân nên chúng tôi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh theo sản lượng niên vụ này và giữ chặt mối liên hệ hợp tác xã - nông dân liên kết để đảm bảo nguồn cung cho doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đối tác cho thị trường", bà Trần Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Gia Lai cho biết.
Giữa khó khăn thiếu hụt nguồn cung cà phê trên thị trường, song các doanh nghiệp xuất khẩu lại nhìn thấy cơ hội lớn trong việc nâng cao giá trị, nhất là các thị trường châu Âu, châu Á đang gia tăng nhập khẩu cà phê Robusta của Việt Nam. Cũng bởi cà phê Việt ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Đỗ Ngọc Sỹ - Giám đốc Bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty JDE Peet's cho biết: "Robusta Việt Nam được người tiêu dùng châu Âu đánh giá tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta tập trung hơn nữa về chế biến sau thu hoạch thì sự cạnh tranh rất tốt với Robusta toàn cầu".
Không chỉ bà con nông dân được hưởng lợi, thu về thành quả cao trong sản xuất, mà sự gia tăng về giá trị cho thấy sự khởi sắc của ngành hàng tỷ đô này. Đây sẽ là động lực để nông dân cùng các doanh nghiệp Tây Nguyên đẩy mạnh liên kết nâng cao hơn nữa chất lượng, thương hiệu cà phê Việt, hướng đến mốc kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD trong năm 2024.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()