Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:54 (GMT +7)
Ca khúc thiếu nhi ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 19/09/2021 | 10:01:44 [GMT +7] A A
Âm nhạc thiếu nhi Quảng Ninh đã từng có một thời vàng son với hàng trăm ca khúc ra đời, trong đó có nhiều bài hát đã được các thế hệ mến mộ.
Về lực lượng sáng tác trong cái “thời vàng son” ấy, đầu tiên phải kể đến cố nhạc sĩ Trần Dần với chùm 16 ca khúc thiếu nhi phổ thơ Trần Ngọc Tảo được in thành tập “Đàn sao lên mỏ”. Tuyển tập ca khúc này gây ấn tượng không chỉ ở ca từ trong trẻo, giai điệu vui tươi mà còn bởi nó là tập ca khúc duy nhất ở Quảng Ninh chỉ phổ thơ một tác giả. Một số ca khúc đáng chú ý như: “Mười mùa hoa nở”, “Biển quê em”, "Đàn sao lên mỏ", "Đảo quê em", "Đêm Trung thu", "Em yêu chú lái xe đất mỏ", "Hạ Long thành phố em yêu", "Hành khúc tuổi thơ Hạ Long", "Hè trên quê than", "Khúc ca trên đảo Cô Tô", "Quảng Ninh những mùa hoa thắm", "Thợ lò" v.v..
Cũng có một tập ca khúc dày dặn hơn với 27 bài hát là nhạc sĩ Xuân Tích với “Mùa thu vào nhà”. Ngoài ra, ông còn có nhiều ca khúc khác như: “Hòn than”, “Nhớ ơn Bác Hồ”, “Bàn tay cháu”, “Tên than”, “Quả bóng đá”, “Xe cần cẩu”, “Ngày mai em làm cô giáo” v.v.. Trong đó có không ít ca khúc được lựa chọn để giảng dạy ở bậc trung học cơ sở hay đưa vào giáo trình Trường Cao đẳng Nhạc - Hoạ Trung ương.
Người chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi nhất ở Quảng Ninh những năm này có lẽ là nhạc sĩ Đỗ Hoà An. Các ca khúc của Đỗ Hoà An được nhiều thế hệ thiếu nhi Quảng Ninh biết đến là “Thuyền giấy”, “Sao bố, sao con”, “Rối muốn làm người”, “Khúc hát chim sơn ca”, “Chùm quả điện”, “Thả diều vào ngày mai”, “Khát vọng mặt trời”, “Nòng nọc nhớ mẹ”, “Ăng ten”, “Đèn kéo quân”, “Bánh đa”, "Hãy xứng danh cháu ngoan Bác Hồ", "Măng non Việt Nam", "Tiến bước lên Đoàn", "Cha", "Hạ Long thành phố của em" v.v..
Không chuyên tâm như Đỗ Hoà An, nhưng nhạc sĩ Xuân Nhật lại sáng tác được những bài hát hay cho các em như: "Bến cảng quê em, "Núi Gà Chọi" v.v.. Trước những nhạc sĩ vừa kể trên, có một người vốn là “dân ngoại đạo” nhưng lại rất thành công trong sáng tác âm nhạc thiếu nhi, đó là Bùi Đức Huyên, nguyên là một cán bộ phong trào của Tỉnh Đoàn.
Tất nhiên, ông không phải kiểu “nhạc sĩ một bài” mà còn có những bài hát khác nhưng chỉ cần với ca khúc “Em yêu Đất mỏ quê em”, cũng đủ để Bùi Đức Huyên có chỗ trong “chiếu nhạc” thiếu nhi Quảng Ninh, hay nói rộng ra là âm nhạc thiếu nhi cả nước. Ngoài ra, ông còn có một số ca khúc như: “Hát mừng chiến thắng 5-8”, “Bài ca Nguyễn Văn Thuộc”, “Em đi trên con đường Đất mỏ”, “Em mơ làm chú hải quân”, “Chiếc máy xúc” v.v.. Phải khẳng định rằng, dù không được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng với năng khiếu trời cho, ông đã rất thành công trong sáng tác âm nhạc thiếu nhi.
Một người khác cũng không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng có đến 12 ca khúc cho thiếu nhi là nhà giáo Đinh Viễn. Trong đó, ca khúc “Em yêu giờ học hát” của Đinh Viễn đã được nhiều giáo viên lựa chọn trong chương trình dạy hát cho thiếu nhi và được phổ biến rộng rãi trên truyền hình, trên mạng internet. Ca khúc này đã được đưa vào sách giáo khoa Âm nhạc lớp 6 bộ Cánh Diều.
Một nhạc sĩ khác cũng có nhiều ca khúc cho thiếu nhi là Quốc Trường. Có thể kể ra các ca khúc của anh như: "Em lớn lên trên đất mỏ anh hùng", "Tuổi thơ ơn Bác", "Yêu sao non nước Việt Nam", "Đội viên sẵn sàng", "Em mong là Đoàn viên", "Màu áo các chị các anh" v.v..
Tương tự, một số nhạc sĩ viết không nhiều về Quảng Ninh nhưng lại được nhiều thiếu nhi Vùng mỏ hát như: Hoàng Minh Kỳ với "Đêm hè trên Bãi Cháy", Tô Vũ với "Em cũng lái xe gấu", Dương Phú với "Họa mi ơi hát cùng ta", Trương Quang Lục với "Quảng Ninh miền đất thắm xinh", "Quê em thành phố biên cương", "Tiếng hát họa mi vàng", Xuân Quang với các ca khúc "Quảng Ninh quê em", "Yêu Uông Bí quê em", Bá Quảng với "Hạ Long khúc hát dòng sông", Đức Bằng với "Lên tầng than", Hoàng Long với ca khúc "Em là thiếu nhi Quảng Ninh"...
Như nói ở trên, các ca khúc thiếu nhi của các nhạc sĩ Quảng Ninh không chỉ giúp phát hiện ra những giọng ca có triển vọng mà còn được chính họ “đẩy” đi xa hơn khi đã thành danh. Và như thế, có thể nói “Hoạ mi vàng” không chỉ khơi dậy phong trào ca hát của thiếu nhi Quảng Ninh mà còn đánh thức những nốt nhạc đang vang vọng đâu đó trong tiềm thức của các nhạc sĩ Quảng Ninh mà chưa có chất xúc tác để bật thành lời.
Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng các ca khúc của nhạc sĩ Quảng Ninh viết cho thiếu nhi cứ thưa dần rồi gần như vắng bóng. Đã rất lâu rồi không có cuộc thi, cuộc vận động sáng tác âm nhạc nào cho thiếu nhi được phát động. Vậy nên, các nhạc sĩ yêu nghề, yêu trẻ vẫn sáng tác cho thiếu nhi đấy nhưng cứ thưa thớt dần.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()