Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:42 (GMT +7)
Ca khúc nhạc Việt phản cảm bị tẩy chay
Thứ 2, 09/01/2023 | 09:28:57 [GMT +7] A A
Năm 2022 đánh dấu sự sôi động trở lại của âm nhạc Việt Nam khi hàng loạt sản phẩm được phát hành theo nhiều hình thức, thể loại khác nhau kéo theo sự nổi lên của nhiều gương mặt mới. Tuy có nhiều điểm sáng nhưng năm 2022 vẫn tồn tại những ca khúc với ca từ vô nghĩa, MV không phù hợp thuần phong mỹ tục khiến khán giả thất vọng.
Sự "trỗi dậy" của các tân binh
Những năm gần đây, phong cách kết hợp âm nhạc hiện đại với chất liệu dân gian dần khẳng định được vị thế. Nổi bật ở phong cách âm nhạc này có thể kể đến Hoàng Thuỳ Linh, “tân binh” Hà Myo. Cả hai đều thể hiện cá tính âm nhạc thông qua những sản phẩm độc đáo.
Năm 2022 đánh dấu một năm thành công của Hoàng Thuỳ Linh khi những sản phẩm trong album Link được đông đảo khán giả đón nhận, đặc biệt là hai ca khúc Gieo quẻ, See tình trở thành xu hướng trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long phân tích Việt Nam đang thiếu một dòng nhạc mang đặc trưng của Việt Nam. Anh cho rằng phong cách âm nhạc hiện đại kết hợp chất liệu dân gian Việt Nam chưa trở thành trào lưu mà vẫn chỉ dừng ở mức gọi là xu hướng. Xu hướng này đang tạo màu sắc mới, đậm chất Việt cho âm nhạc, văn hoá đại chúng.
“Trong xu hướng này có thể kể đến Hoàng Thuỳ Linh và Hà Myo, tuy nhiên hai nghệ sĩ có cách tiếp cận, khai thác chất liệu dân gian khác nhau. Hoàng Thuỳ Linh gắn với các ca khúc mới được các nhạc sĩ trẻ sáng tác khai thác đậm đặc chất liệu dân gian. Còn Hà Myo ngược lại khai thác chất liệu dân gian trên nền nhạc điện tử, kết hợp với rap”, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long trao đổi với Tiền Phong.
Năm 2022 cũng chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều gương mặt trẻ như MONO, Tăng Duy Tân, Phong Max, Madihu... MONO ra mắt bản hit Waiting for you (phát hành 18/8/2022) làm mưa gió trên thị trường nhạc số. Bài hát này cũng trụ vững ở vị trí số 1 BXH âm nhạc Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs liên tục trong khoảng 4 tháng.
“Nếu như ở MONO ta nhìn thấy một phiên bản khác của Sơn Tùng M-TP, Tăng Duy Tân, Madihu... lại góp vào những chất riêng của họ. Dù thế nào, mỗi nghệ sĩ mới xuất hiện và tạo được thành công cũng góp thêm sắc màu cho đời sống âm nhạc đại chúng thêm phong phú. Các sản phẩm đều có sự trẻ trung, mang nhiều màu sắc cá nhân nhưng lại rất phổ biến và dễ lan toả”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long nêu.
Ballad giảm nhiệt
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định năm 2022, những ca khúc ballad vẫn là thể loại phổ biến. Nội dung những ca khúc ballad đa phần về tình yêu - đề tài dễ chạm đến đời sống của các bạn trẻ. Tuy nhiên, ballad cũng dần bộc lộ điểm yếu khi quá phổ biến trên thị trường lại theo một mô-típ, một lối hòa âm... dẫn đến lối mòn vô hình nhưng ngày càng lớn khiến các bài hát này dần có phần nhàm chán.
"Khoảng 90% ca khúc ballad của giới trẻ hiện tại được thực hiện như thế vô hình trung làm giảm sự sáng tạo, điều vô cùng cần thiết trong nghệ thuật âm nhạc. Việc thưởng thức những sản phẩm mới đang là nhu cầu tiềm năng của âm nhạc đại chúng, ca khúc dành cho giới trẻ trong giai đoạn hiện này", Nguyễn Quang Long nêu.
Năm 2022 chứng kiến nhiều sự thử nghiệm chẳng hạn như sự kết hợp rap trên nền nhạc giao hưởng của Đen Vâu trong sản phẩm dongvui harmony, sự kết hợp âm nhạc hiện đại với cải lương thông qua tác phẩm Về nghe mẹ ru của Hoàng Dũng và NSND Bạch Tuyết.
Những album vật lý như đĩa CD, đĩa LP (đĩa than)... trở lại mạnh mẽ. Đây là tiền đề cho sự hồi sinh của các sản phẩm âm nhạc chỉn chu, trau chuốt và chứng tỏ công chúng đã chú trọng hơn về chất lượng của các sản phẩm âm nhạc.
Nhiều MV, nghệ sĩ bị “tuýt còi”
Khép lại năm 2022, không khó để điểm tên những ca khúc có hình ảnh phản cảm và nội dung tục tĩu, vô nghĩa.
MV Black Hickey của Chi Pu ra mắt tháng 8/2022 dù đầy rẫy cảnh thân mật nhưng ê-kíp vẫn nhất quyết không gắn nhãn 16+. Không lâu sau đó, MV này bất ngờ bị ẩn trên YouTube mà không kèm theo bất kỳ lời giải thích nào từ phía nữ nghệ sĩ.
Hết Chi Pu mời gọi khán giả "ăn tươi" với Sashimi, lại đến Ngô Kiến Huy gây khó hiểu với Tất cả đứng im. Hoàng Yến Chibi trở lại đường đua Vpop, tham vọng tạo trend trên Tiktok với những câu hát như Anh muốn xin lỗi á, không dễ đâu anh. Giai điệu không mấy bắt tai đi kèm với phần lời sáo rỗng khiến khán giả khó chịu, kêu gọi tẩy chay trên mạng xã hội.
Một số ca khúc truyền đi thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục cũng bị tuýt còi. Tháng 5/2022, Sơn Tùng bị xử phạt 70 triệu đồng vì MV There's no one at all có yếu tố tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Nhức nhối bản quyền là câu chuyện năm chưa bao giờ cũ. Việc tôn trọng bản quyền là cơ sở để xây dựng thị trường âm nhạc văn minh. Năm 2022, vẫn xảy ra tình trạng một số ca sĩ hồn nhiên hát nhạc ngoại không trả phí, hát nhạc chưa xin phép tác giả vẫn được khán giả đón nhận.
Làng nhạc Việt khép lại năm 2022 bằng vụ việc ca sĩ Xesi tố Ngọc Mai (O Sen - Quán quân The masked singer) chưa xin phép khi biểu diễn ca khúc Túy âm (do Xesi sáng tác) trong hai sự kiện âm nhạc tại TP.HCM.
Trong khi đó, Ngọc Mai cho rằng bản chất của sự việc không phải là cô biểu diễn một ca khúc chưa được tác giả cho phép, mà là "tác giả chưa hiểu rõ về luật khi đã ký ủy quyền với trung tâm tác quyền".
Dễ thấy nhận thức của cả chủ sở hữu quyền và người sử dụng quyền đôi khi vẫn còn chưa cao. Điều này có thể khiến cho các chủ sở hữu quyền và cả người sử dụng gặp rắc rối trong những tranh chấp bản quyền.
Năm 2023: Khán giả không còn mặn mà với MV?
Trao đổi với Tiền Phong, nhạc sĩ Hoài Sa cho rằng rất khó để đánh giá một dòng nhạc, xu hướng âm nhạc cụ thể được yêu mến trong năm 2023.
Theo anh, trong năm 2023 có lẽ khán giả sẽ tiếp tục ưa chuộng những sản phẩm hát live, thay vì audio hay MV. “Thông qua các thiết bị chuyên nghiệp, ai cũng có thể thu âm, hát hay như ca sĩ. Vì thế bản audio không có giá trị cao như xưa. Khán giả ngày nay quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc, độ chân thực khi thưởng thức âm nhạc. Phần biểu diễn trực tiếp của ca sĩ có thể có lỗi, song điều đó không quá quan trọng”, anh nhận định.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()