Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:27 (GMT +7)
Vân Đồn: Cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Chuyển đổi số toàn diện
Thứ 2, 29/08/2022 | 09:38:14 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện Vân Đồn giai đoạn 2022-2025. Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo của tỉnh, cả hệ thống chính trị huyện đã vào cuộc, triển khai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn địa phương.
Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo
Với quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1000/KH-UBND (ngày 31/3/2022) "Về chuyển đổi số toàn diện huyện Vân Đồn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030"; nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo theo yêu cầu từng thời điểm.
Huyện thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 12/12 xã, thị trấn. Đặc biệt, để phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trên địa bàn huyện cũng như tạo động lực thực hiện nhiệm vụ, ngày 22/8/2022, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025, năm 2030 phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 09-NQ/TU. Qua đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân. Đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến kinh nghiệm hay, sáng tạo, phong trào thi đua, tạo sự lan tỏa trong toàn huyện; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số của huyện.
Ông Phạm Huy Thành, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho biết: Huyện yêu cầu chế độ báo cáo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU hằng tháng. Để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, Phòng cũng yêu cầu các xã, thị trấn cập nhật số liệu thống kê hằng ngày từ các tổ công nghệ số cộng đồng, từ đó có được thông tin chính xác nhất để xây dựng bản đồ số đến từng hộ gia đình trên địa bàn.
Những chuyển biến tích cực
Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện, cho biết: Tính đến tháng 8/2022, huyện đã cung cấp 267/267 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền cấp huyện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh luôn đạt ở mức cao. Cụ thể, cấp huyện tiếp nhận 864/867 hồ sơ (99%), so với tháng trước tăng 2%; cấp xã tiếp nhận 1.011/1.050 hồ sơ (96%), so với tháng trước tăng 9%. Toàn huyện không có hồ sơ quá hạn.
100% CBCCVC, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã sử dụng Hệ thống thông tin CSDL quản lý văn bản để thực hiện trình văn bản điện tử; 100% lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương ký số (bao gồm cả ký nháy) trực tiếp trên Hệ thống thông tin CSDL quản lý văn bản.
Các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện đã cập nhật, số hoá 277/277 quy trình từ ISO bản giấy trong giải quyết TTHC lên hệ thống ISO điện tử; thực hiện đính kèm 203 văn bản liên quan (tài liệu viện dẫn) là căn cứ giải quyết TTHC và các biểu mẫu đính kèm các quy trình giải quyết lên trang ISO điện tử. Cổng thông tin thành phần cấp huyện đã có nhiều thay đổi, cập nhật, đăng tải nhiều nội dung phong phú.
Để thực hiện kinh tế số, huyện quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn vận động các doanh nghiệp đưa 17/43 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Huyện đang đẩy mạnh triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP. Thanh toán điện tử khi thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện vượt 6% so với kế hoạch đề ra.
Toàn huyện hiện có trên 54.100 thuê bao. Để thực hiện nội dung về xã hội số, huyện chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn hoàn thiện 2/5 trạm BTS phát phủ lõm sóng thông tin di động.
"Mặc dù vậy, với đặc thù nhiều xã đảo, việc thực hiện chuyển đổi số tại huyện vẫn là một bài toán khó khi hạ tầng cơ sở vật chất, các nền tảng dữ liệu chưa đồng bộ; cơ chế chính sách nhiều nội dung chưa có định hướng, hướng dẫn cụ thể... Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu; hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân chính là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số. Với chế độ báo cáo cập nhật hằng tháng, huyện tiếp tục giao nhiệm vụ cụ thể, áp tiến độ hoàn thành từng chỉ tiêu; đặc biệt, phát động phong trào thi đua trong toàn huyện để tạo động lực thực hiện thành công Kế hoạch 1000 của UBND huyện, đưa Nghị quyết số 09-NQ/TU vào cuộc sống" - Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, nhấn mạnh.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()