Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:24 (GMT +7)
XÂY DỰNG NÔNG THÔN LÊN TẦM CAO MỚI Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Thứ 7, 07/08/2021 | 08:42:23 [GMT +7] A A
Xác định không có điểm dừng, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang tiếp tục lan tỏa khắp các vùng miền trong tỉnh với sự tham gia chung tay hỗ trợ, góp sức, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Những việc làm cụ thể, thiết thực
Năm 2021, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) phấn đấu về đích NTM. Do địa bàn rộng, dân cư nằm rải rác, nhiều khu vực là rừng sản xuất, toàn xã mới có 55,2% hộ được sử dụng nước sạch. Đây là một trong số các tiêu chí khó xã phải nỗ lực hoàn thành trong năm nay. Nhằm chung tay hỗ trợ Đồn Đạc hoàn thành chương trình xây dựng NTM, đầu tháng 7 vừa qua, Viện KSND tỉnh đã hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng 10 giếng khoan cho người dân thôn Lang Cang (xã Đồn Đạc). Các giếng khoan này sau hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho 26 hộ của thôn, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt nhiều năm qua, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng NTM.
Ông Đặng Đình Vang, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết: Bên cạnh công tác chuyên môn, chung tay cùng các địa phương xây dựng NTM là một trong nhiệm vụ được đơn vị rất chú trọng. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục huy động cán bộ, công chức, người lao động ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho các xã hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, cải thiện điều kiện sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Lâm trường 155 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Quân khu 3) đóng trên địa bàn huyện Bình Liêu. Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Lâm trường đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ các xã xây dựng NTM. Trong đó, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ăn ở hợp vệ sinh; hỗ trợ ngày công xây nhà vệ sinh tự hoại cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại bản Cẩm Hắc (xã Đồng Văn)... Đơn vị phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổng vệ sinh 1,7km đường bản; củng cố bồn hoa, cây cảnh, sửa chữa đường ống dẫn nước sinh hoạt; xây 15 nhà vệ sinh tự hoại cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại bản Sông Moóc B (xã Đồng Văn). Mới đây, Lâm trường đã ra quân tổ chức đợt cao điểm vận động bà con thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường nơi ở và nơi công cộng, phòng chống dịch Covid-19; hỗ trợ nhân công xây dựng 9 chuồng trâu và 3 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ đặc biệt khó khăn ở thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn); phối hợp với các lực lượng phát quang, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường đường nội thôn... Các hoạt động thiết thực của CBCS Lâm trường 155 đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh, thay đổi tập quán sinh hoạt, bảo vệ môi trường nông thôn.
Hiện thực hóa mục tiêu nông thôn văn minh
Chương trình xây dựng NTM thực sự trở thành "luồng gió" thổi bừng lên sức sống mới ở khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Có được kết quả đáng ghi nhận này, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, là sự vào cuộc tích cực của người dân, sự đóng góp không nhỏ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...
Nhằm huy động các nguồn lực tham gia xây dựng NTM, công tác tuyên truyền được xác định là then chốt. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM gắn với nội dung, lĩnh vực, mô hình cụ thể, thiết thực. Tiêu biểu Hội LHPN thực hiện cuộc vận động "5 không, 3 sạch"; mô hình thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư thôn, xóm. Hội Nông dân triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi; vườn mẫu. Hội Cựu chiến binh có các mô hình thắp sáng đường làng; an ninh tự quản... Năm 2021, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM là 17.980 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn huy động ngoài ngân sách 16.920 tỷ đồng, chiếm 91,1%.
Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế, song nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đặt vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có. Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, phát triển bền vững, trên cơ sở tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM, phát triển nông thôn gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, du lịch nông nghiệp, làng văn hóa du lịch.
Tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo phương châm “lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp; lấy thành thị dẫn dắt nông thôn”. Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Bên cạnh đó, đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế của từng xã, huyện để xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đảm bảo thực chất, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; toàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()