Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:21 (GMT +7)
Chế biến, chế tạo: Phấn đấu trở thành ngành công nghiệp chủ lực
Thứ 6, 14/10/2022 | 08:43:14 [GMT +7] A A
Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ mới về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã đạt được những bước phát triển đột phá, trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Đồng bộ những giải pháp
Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển KT-XH. Quy mô doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo phát triển khá nhanh, bình quân tăng 11,2%/năm. Nếu như năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, thì đến hết năm 2020 đã có hơn 800 doanh nghiệp, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP toàn tỉnh từ 6,7% (năm 2010) tăng lên 9,6% (năm 2020). Tổng nguồn vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010-2020 đạt gần 69.000 tỷ đồng.
Với quyết tâm đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh, ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã sớm ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là chủ trương, quyết sách đúng đắn để tạo bứt phá, lợi thế cạnh tranh hơn nữa cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn mới.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Nghị quyết 01-NQ/TU là sự đột phá, mở ra hướng phát triển hoàn toàn mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Cùng với những lợi thế sẵn có là hệ thống các cảng biển, dịch vụ logistics, các KCN, đường cao tốc, nhất là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc... chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thật sự là động lực và có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng bền vững của tỉnh giai đoạn 2020-2025.
UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 01/CTr-UBND để triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU thực hiện một cách đồng bộ, bài bản. Các địa phương, đơn vị đã chỉ đạo chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân có liên quan để tổ chức thực hiện; xây dựng lộ trình hoàn thành để thuận tiện cho công tác theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát. Đồng thời, đưa nội dung, nhiệm vụ được giao liên quan đến Nghị quyết vào phương hướng nhiệm vụ hằng năm, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các ngành, địa phương đặt ra là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cho các khu công nghiệp, khu kinh tế để phát huy tối đa những lợi thế cũng như tăng sức hút của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đối với các nhà đầu tư.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, cho biết: Quảng Yên được xác định là địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo với 5 dự án hạ tầng khu công nghiệp, vì vậy công tác giải phóng mặt bằng được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt nhằm tạo điều kiện để chủ đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp hoàn thiện các hạng mục hạ tầng. Hiện nay, trong 5 khu công nghiệp đang được triển khai trên địa bàn thị xã, ngoài KCN Đông Mai đã cơ bản hoàn thành các hạng mục đầu tư hạ tầng, các dự án còn lại đang được các nhà đầu tư tập trung triển khai với hàng trăm héc ta đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp.
Quảng Ninh cũng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ được địa bàn an toàn trước tác động của dịch Covid-19, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư, duy trì sức sản xuất các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, ưu tiên dành quỹ đất ở những vị trí đẹp nhất, đắc địa nhất cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với các thiết chế văn hóa - xã hội đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút và giữ chân lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được quan tâm. Đáng chú ý, việc giải quyết thủ tục hành chính phục vụ cho các dự án đầu tư không ngừng được cải thiện. Nhờ đó, thời gian cấp phép cho các dự án đầu tư tiếp tục xác lập kỷ lục mới. Điển hình là dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ. Chỉ sau 4 tháng triển khai xây dựng, dự án đã đi vào vận hành sản xuất, vượt trước 7 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu.
Dần trở thành ngành công nghiệp chủ lực
Với các giải pháp triển khai đồng bộ trên cơ sở những định hướng của Nghị quyết 01-NQ/TU, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự tăng trưởng đột phá, ghi dấu ấn trong bức tranh kinh tế chung của cả tỉnh với mức tăng trưởng cả năm 2021 là 32,19% (gần gấp đôi so với 17% của năm 2020), đóng góp 3,36 điểm % vào kết quả tăng trưởng chung của cả tỉnh. Riêng 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng cũng đạt 10,97%. Như vậy, bình quân 2 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, tốc độ tăng trưởng đạt xấp xỉ 19% (cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết 01-NQ/TU, là 17%/năm). Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh cũng nâng lên từ 9,9% năm 2020 lên 11,9% năm 2021 và tiếp tục tăng lên 12,3% trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trong 2 năm, toàn tỉnh đã thu hút 14 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 5 lượt dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, năm 2021 thu hút 10 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 4 lượt dự án; 9 tháng năm 2022 thu hút 4 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 1 lượt dự án. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết cũng đạt con số ấn tượng với trên 32.976 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,1 triệu USD (đạt 65,8% mục tiêu đã đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, bình quân 10.000 tỷ đồng/năm).
Với những kết quả này, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế và đang dần hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra là đến năm 2025, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 15% trong GRDP, tương đương mức tăng 1,04%/năm.
Không chỉ ghi những dấu ấn trong bức tranh kinh tế cả tỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn có nhiều đóng góp về mặt xã hội, là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo việc làm cho gần 1 vạn lao động mới, nâng tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này lên trên 63.000 người. Đặc biệt, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất, nhiều ngành kinh tế khác gần như bị đình trệ, lao động không có việc làm thì số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò động lực của nền kinh tế với đầy đủ bản lĩnh trước những thách thức cơ hội mới cũng như thực hiện được các mục tiêu đề ra như trong Nghị quyết số 01-NQ/TU, thời gian tới tỉnh xác định tiếp tục có giải pháp căn cơ hơn nữa trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ lại những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
Nhấn mạnh tại cuộc họp đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư theo hướng chủ động, mang tính chuyên môn cao; nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các KCN đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng đồng bộ; khuyến khích thu hút đầu tư các hạ tầng xã hội, dịch vụ thiết yếu phục vụ người lao động. Đồng thời, cần quan tâm những chính sách để chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương, chính sách về đào tạo và đào tạo lại lao động để góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh; xác định đúng địa bàn động lực, khu vực trung tâm, trọng điểm của trọng điểm để ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()