Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:34 (GMT +7)
Bút tích Bác Hồ trên báo chí Vùng mỏ
Chủ nhật, 19/06/2022 | 15:24:31 [GMT +7] A A
Không gian trưng bày Chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh” tại Bảo tàng Quảng Ninh là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý giá về Người. Đáng chú ý trong đó là một số bút tích của Bác trên báo chí Vùng mỏ, thể hiện tình cảm lớn lao của Người dành cho nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Đa số những bút tích của Bác trên rất nhiều tờ báo liên quan đến những tấm gương người tốt, việc tốt. Trên báo Vùng Mỏ ngày 13/3/1962 có bài “Vì sao huyện Hoành Bồ bán thóc cho nhà nước vượt kế hoạch?”, Bác xem và đã gạch chân những câu chỉ ra nguyên nhân “...xã viên HTX Cộng Hoà (xã Thống Nhất) đã đem tất cả số tiền thóc bán được gửi tiết kiệm”.
Trên báo Vùng Mỏ ngày 24/5/1962 có bài viết “Một người mù”, kể về anh Đỗ Tân ở xã Đức Chính, huyện Đông Triều (nay là phường Đức Chính, TX Đông Triều), dù bị mù hai mắt nhưng vẫn cố gắng học tập. Sau khi đọc bài báo, Bác đề lời khen “Anh Đỗ Tân mù cả 2 mắt vẫn cố gắng học tập và vận động bà con học tập” và đề nghị thưởng huy hiệu cho anh.
Tương tự, tấm gương về “Cô mậu dịch viên số 23” đăng trên báo Hồng Quảng về chị Phạm Thị Minh Tới ở cửa hàng công nghệ phẩm TX Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả) được Bác khen: “Cô Phạm Thị Minh Tới bán hàng mậu dịch thật thà, tận tâm, 4 năm liền lao động tiên tiến”, thưởng huy hiệu của Bác.
Bút tích của Bác Hồ còn lưu trên báo Hồng Quảng đề nghị thưởng huy hiệu cho cô Bách, 17 tuổi ở Hợp tác xã Phong Cốc luôn đi đầu trong phong trào sản xuất nông nghiệp. Em Nguyễn Văn Mai, 12 tuổi, học sinh lớp 4, Trường cấp I xã Tràng An (Đông Triều) dũng cảm cứu một em bé khỏi chết đuối và chị Nguyễn Thị Đáy mặc dù nuôi ba con nhỏ nhưng vẫn tích cực phục vụ chiến đấu được đăng báo Vùng Mỏ. Bác đọc và đề bút tích thưởng huy hiệu cho cả hai.
Từ khi sáp nhập khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, Bác Hồ lại thường xuyên đọc báo Quảng Ninh. Báo Quảng Ninh ngày 29/12/1966 có bài “Ông Phùng Mằn sống nuôi trâu giữa rừng” - nói về ông Phùng Mằn, dân tộc Tày ở Hà Cối nuôi trâu giỏi. Bác xem và gạch chân dưới tên nhân vật và viết lên trên góc bài báo 4 chữ Hán “Dưỡng ngưu hảo nhân” (nghĩa là người nuôi trâu giỏi).
Ngày 10/7/1969, xem báo Quảng Ninh trong chuyên mục “Người mới, việc mới” có đăng tin hai vợ chồng cụ Khiêm (60 tuổi) có nhiều thành tích trong chăn nuôi gia súc, làm phân bón phục vụ cây trồng, Người đã đề nghị thưởng hai cụ “Huy hiệu Bác Hồ”.
Bài báo “Bước đi của ngành Khoan Hà Tu” của tác giả Hồng Tâm đăng trên trang 3, báo Quảng Ninh ra ngày 26/7/1969 đề cập đến việc đưa máy khoan vào nâng cao sản lượng than và giảm được sự nặng nhọc cho công nhân. Trên bài báo, Bác để lại bút tích “26-7-1969” bằng bút chì đỏ; chữ “cắt dán” được Người viết bằng bút bi mực đỏ; chữ “Khoan Hà Tu” được Người gạch dưới hai gạch và đánh dấu “/” bằng bút bi mực đỏ.
Bác Hồ còn đọc những tờ báo khác có viết về Vùng mỏ. Người có bút tích trên báo Nhân Dân về việc thưởng huy hiệu của Người cho đồng chí Voòng Tắc Chắn ở đảo Cô Tô, xã đội trưởng, dân quân tự vệ, chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp; bút tích trên báo Quân đội Nhân dân đề nghị thưởng huy hiệu cho hai nữ công nhân tổ sửa chữa hạt đường X thuộc tỉnh Quảng Ninh là chị Thi và chị Chiến đã dũng cảm và xung phong hiến máu để cứu người bị thương. Bút tích trên báo Ninh Bình đề nghị thưởng huy hiệu cho cụ Phạm Văn Sành và cụ Phạm Văn Phiền, xã viên Hợp tác xã Ánh Hồng, xã Vĩnh Khê (Đông Triều) bị lòa hai mắt, tuổi cao nhưng vẫn cần cù lao động, tích cực trong sản xuất.
Báo Thiếu niên Tiền phong ngày 4/9/1964 có bài viết về hành động dũng cảm của em Ngô Quốc Chung ở Hòn Gai trong trận 5/8/1964, cùng các cô giáo đưa các em nhỏ xuống hầm trú ẩn. Bác khoanh tròn bằng mực đỏ vào chữ “Chung” bằng chữ Hán, đồng thời viết lên góc báo mấy chữ “Thưởng 1 huy hiệu”...
Bài báo “Công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch quý 3” của Việt Nam Thông tấn xã đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày thứ tư 30/7/1969. Ngay trên đầu bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết chữ “cắt dán” bằng bút bi mực đỏ.
Ngoài ra, Người đã đánh dấu và gạch chân bằng bút chì đỏ nhiều đoạn như: “Mỏ than Hà Tu”, “Hơn 3.000 tấn than vì miền Nam ruột thịt”; và “…6 tháng cuối năm tăng hơn mức 6 tháng đầu năm từ 24 đến 26%”, còn ở các đoạn “Số lượng bình quân một ngày của máy xúc và ô tô vận tải trong 6 tháng đầu năm từ 34 đến 52% so với 6 tháng cuối năm 1968” thì Người gạch dưới cụm từ “34 đến 52%”, ở đoạn “Tại mỏ than Đèo Nai, công nhân lái máy xúc, máy khoan, xe vận tải đều xây dựng lại định mức lao động” cụm từ “Mỏ than Đèo Nai” được gạch dưới.
Bên cạnh những bài báo biểu dương, Bác cũng quan tâm và bút phê vào những bài báo mang tính phê bình. Báo Vùng Mỏ ngày 21/8/1962 có bài “Vì sao Bến Hồng Gai ngừng trệ sản xuất?”, Bác đánh dấu những đoạn trọng tâm: “... Đến nay, máy móc hỏng dồn dập hoặc hỏng cùng một lúc thì sửa chữa không kịp nên bế tắc sản xuất... Từ đầu tháng đến nay, trên 3.500 tấn than nguyên khai còn bỏ đó vì sàng không hết”. Bác còn đánh dấu cả những chữ sai chính tả; thay vì chữ “trong” thì báo in nhầm thành chữ “trọng”. Bác đã khoanh tròn vào cái dấu nặng thừa ra ấy. Ở góc dưới trang cuối, Bác đã đánh một dấu hỏi vào bên cạnh dòng chữ: “In ở nhà in Vùng Mỏ khu Hồng Quảng”.
Báo Vùng Mỏ ngày 23/8/1962 có bài “Đoàn xe mỏ Cọc 6 vẫn còn tình trạng làm không hay, nghỉ không biết” và bài “Nếu cứ tình trạng này kéo dài, hỏi mỏ Đèo Nai làm sao hoàn thành kế hoạch?”. Bác xem và gạch chân những đoạn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Những bút tích trên báo dường như còn lưu lại tình cảm của Người dành cho nhân dân Vùng mỏ. Đó là động lực để Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu giành thắng lợi không chỉ trong những chặng đường lịch sử đã qua mà cho cả các giai đoạn hiện nay và mai sau.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()