Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 15:35 (GMT +7)
Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023: Nhiều chỉ tiêu bứt phá
Thứ 5, 23/03/2023 | 08:10:36 [GMT +7] A A
Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ năm 2023 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi đan xen những khó khăn. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ, quyết tâm giữ đà tăng trưởng 2 con số gắn với triển khai chủ đề công tác năm 2023.
Từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của Tỉnh ủy gắn với Chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 với phương án kịch bản tăng trưởng cao, phấn đấu GRDP đạt trên 11%, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt trên 53.062 tỷ đồng; tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh, thi công các công trình từ đầu năm và ngay sau nghỉ Tết Nguyên đán...
Bám sát kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023, tỉnh quyết liệt chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành thu, chi NSNN, đầu tư công, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở các cấp ngân sách; quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, gắn với khối lượng hoàn thành và nâng cao chất lượng công trình, dự án. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án mới đã khởi công năm 2022 và khởi công năm 2023, tập trung hoàn thành các công trình gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các KCN, KKT, trọng điểm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT cửa khẩu Móng Cái; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao...
Thực hiện mục tiêu thu hút 15 triệu lượt du khách năm 2023, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút du lịch tâm linh, văn hóa; phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô… Trong đó nổi bật là các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn, Cô Tô; sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long…
Trong quý I/2023, tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hội nghị quy mô lớn. Nổi bật, tại Hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh, Sở Công Thương ký với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam về hợp tác, hỗ trợ xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2045”; Sở Thông tin - Truyền thông ký kết hợp tác với Công ty CP Tư vấn và Dịch vụ Viettel về hỗ trợ chuyển đổi số trong logistics. Nhiều đơn vị khác ký kết những nội dung quan trọng, như: Công ty CP Nam Tiền Phong ký kết với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Công ty CP Thành Đạt ký kết hợp tác với Công ty CP Vinafco; Trường Đại học Hạ Long ký kết hợp tác với Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam...
Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 đã thu hút trên 350 đại biểu, đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, diễn giả du lịch... Tại Hội nghị, nhiều giải pháp được đề cập để Quảng Ninh thu hút 15 triệu lượt du khách năm 2023, chuyển đổi số du lịch. Tỉnh đã công bố 4 dòng sản phẩm du lịch: Du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch biên giới, nhằm tận dụng thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Đồng thời, ký kết các thỏa thuận hợp tác với một số địa phương: Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai...
Trong quý I/2023, mặc dù đối mặt với khó khăn, nhưng nhiều dự án được tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, như: Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Cảng Vạn Ninh; Sân golf Đông Triều và các dự án ngoài KCN, KKT. Tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 10.750 tỷ đồng (bằng 28% so với cùng kỳ năm 2022). Tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, tổng vốn đăng ký 8.038 tỷ đồng (tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước); cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 11 dự án vốn trong nước, tổng vốn đăng ký 2.712 tỷ đồng (bằng 8,5% so với cùng kỳ năm trước).
Nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong quý I/2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022. GRDP ước tăng 8,04%, tuy nhiên vẫn thấp hơn 0,4 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ. Trong đó, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất (tăng 13,25%, cao hơn 4,42 điểm % so với cùng kỳ); tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước 4,85 triệu lượt (gấp 2,3 lần so với cùng kỳ); doanh thu du lịch 8.555 tỷ đồng (gấp 2,7 lần cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 674 triệu USD, tăng 15,2% cùng kỳ. Thuế sản phẩm tăng 9,1%, cao hơn 1,71 điểm % so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, cao hơn 0,24 điểm % so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN ước đạt 14.800 tỷ đồng (bằng 27% so với dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ). Tổng vốn thu hút vào các KCN, KKT đến nay đạt 341 triệu USD, dự kiến hết quý I đạt khoảng 493,8 triệu USD, đạt 41,3% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023.
Với những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm, kinh tế của tỉnh trong quý I/2023 đạt nhiều kết quả khả quan. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.
Nguyễn Huế
- Thủ tướng: Các Tập đoàn, Tổng công ty phải góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
- Tuổi trẻ huyện Ba Chẽ xung kích trong phát triển kinh tế
- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra tờ trình, dự thảo nghị quyết
- Động lực cho sự phục hồi kinh tế
- Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp
Liên kết website
Ý kiến ()