Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 13:42 (GMT +7)
Bước tiến mới trong xây dựng Chính quyền số
Thứ 4, 15/11/2023 | 09:27:08 [GMT +7] A A
Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh xác định trục Chính quyền số sẽ là nền tảng chủ chốt, tạo cơ sở vững chắc trong việc chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.
Với quyết tâm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh, trong suốt thời gian qua, Quảng Ninh đã kiên quyết, kiên trì, liên tục triển khai toàn diện các nội dung nhiệm vụ xây dựng Chính quyền số trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của Đề án Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và dữ liệu số đã đạt được từ giai đoạn trước. Trong đó, tỉnh ưu tiên đổi mới, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 1.367 (đạt 100%) dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Trong đó có 908 thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 66,5%). Ở cấp huyện, cũng đã có 254 dịch vụ công trực tuyến được đồng bộ lên Cổng dịch vụ công, trong đó 160 TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ trực tuyến toàn trình. Cấp xã đã cung cấp 111 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 53 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời, tỉnh cũng đã hoàn thành việc tích hợp, kết nối 1.248 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên Cổng dịch vụ công quốc gia - nằm trong tốp đầu cả nước về số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp và số hồ sơ trực tuyến phát sinh. Đến tháng 9/2023, số hồ sơ trực tuyến tính riêng trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh là 33.040/33.547 hồ sơ (98,3%); số hồ sơ trực tuyến trên cả Cổng dịch vụ công của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành là 73.294/105.463 hồ sơ (69,5%); số hồ sơ trực tuyến tính riêng trên Cổng dịch vụ công của cấp huyện là 98.785/105.757 hồ sơ (93,5%), số hồ sơ trực tuyến ở cấp xã là 174.794/184.556 hồ sơ (94,7%).
Anh Hoàng Văn Đức, cán bộ quản trị hệ thống Chính quyền điện tử của Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long, cho biết: Hiện nay, tại Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long, 100% hồ sơ đầu vào và kết quả đầu ra đều đã đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo đúng quy định; 100% công dân trên địa bàn cũng đã có đầy đủ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cán bộ Trung tâm có thể khai thác, phục vụ việc giải quyết TTHC. Hiện Trung tâm đang tích cực phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai cấp chữ ký số cá nhân miễn phí cho công dân, tạo tiền đề giúp công dân thuận lợi trong giải quyết các TTHC trực tuyến. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thời gian tới, Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai, khai thác dữ liệu số, ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hoàn thành các nhiệm vụ trong xây dựng Chính quyền số, tạo nền tảng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn để phục vụ phát triển KT-XH.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hiện Quảng Ninh còn đang tích cực triển khai thực hiện số hoá hồ sơ TTHC từ đầu vào và tái sử dụng kết quả số hoá TTHC. Đến nay, 100% TTHC tiếp nhận trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đã được thực hiện số hóa từ hồ sơ đầu vào đến kết quả theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử. Hết tháng 9/2023, ở cấp tỉnh đã thực hiện số hóa trên cả phần mềm chuyên ngành và hệ thống một cửa điện tử được 75.415/105.463 hồ sơ (71,5%); trả 9.656/104.787 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân (9,2%). Cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hoá 99.987/105.003 hồ sơ (95,2%) và trả 66.574/106.069 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân (62,8%). Cấp xã đã thực hiện tiếp nhận và số hoá 176.749/184.386 hồ sơ (95,9%) và trả 126.390/184.248 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân (68,6%). Cùng với đó, để tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp sử dụng các tiện ích của Chính quyền số, tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh triển khai hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Qua 9 tháng đầu năm, đã có gần 9 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC ở cấp tỉnh được thanh toán bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt, đạt gần 90%. Con số này ở cấp huyện là hơn 6 tỷ đồng, đạt trên 95%; ở cấp xã là gần 3 tỷ đồng, đạt gần 45%.
Nhằm tạo sự liên kết, đồng bộ trong hệ thống Chính quyền số của tỉnh với Trung ương, Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất. Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân cho biết: Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành việc kết nối với 11/18 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quan trọng, nền tảng dữ liệu của quốc gia. Trong đó, nổi bật có thể kể đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp… Đối với 7 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin còn lại, tỉnh cũng sẽ sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu ngay sau khi các hệ thống của bộ, ngành và Trung ương hoàn thành, cho phép kết nối.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()