Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:56 (GMT +7)
Bước tiến mới trong phát triển kinh tế số
Thứ 6, 13/01/2023 | 13:41:44 [GMT +7] A A
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, giá trị của kinh tế số toàn tỉnh chiếm trên 20% GRDP, hiện Quảng Ninh đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm và cấp thiết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, xem đây là tiền đề, động lực quan trọng để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tại Chương trình Chuyển đổi số của Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu cơ bản là đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số. Tỉnh cũng xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung “Ha Long ICT Park” tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (TP Hạ Long) trở thành “Cảng dữ liệu” và Trung tâm đổi mới sáng tạo tại khu vực phía Bắc.
Để hiện thực hoá mục tiêu đặt ra, hiện nay, Quảng Ninh đang ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đặc biệt ưu tiên các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, năng lượng, nông nghiệp, giao thông và logistics thông minh, cửa khẩu số, du lịch, kinh tế cửa khẩu...
Điển hình như triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, hiện các địa phương, đơn vị liên quan đã xây dựng và triển khai đồng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp; có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực tăng mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử... Bên cạnh đó, tích cực phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tập trung ưu tiên các vùng miền có tỷ lệ phổ cập ngân hàng ở mức thấp. Về thanh toán không dùng tiền mặt, lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 2,3 triệu tài khoản (tăng 0,3 triệu tài khoản so 31/12/2021); lũy kế thuê bao cài đặt và sử dụng Mobile Money là trên 317.000 thuê bao. Riêng về triển khai thử nghiệm chợ 4.0, tính đến hết tháng 10/2022 đã thiết lập được 1.020 điểm thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khoảng 1.000 hộ tiểu thương đã có tài khoản. Đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, 100% các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 65,77% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 22,89% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện được thanh toán bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 85,75% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với giá trị đạt 97,2%; 77,7% doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước bằng phương thức không dùng tiền mặt với giá trị đạt 87,44%...
Không chỉ vậy, hiện nay, Quảng Ninh cũng là một trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai thực hiện thành công hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1. Qua đó, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thanh toán. Đến thời điểm này, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Trên địa bàn tỉnh đã có 2,1 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 1,5 triệu tài khoản đang hoạt động cùng 45.582 tài khoản doanh nghiệp. Tỷ lệ tài khoản thanh toán điện tử/tổng tài khoản thanh toán đang hoạt động đạt 62%, bình quân 1,5 tài khoản/người dân trưởng thành.
Tỉnh cũng hỗ trợ vận hành và nâng cấp, bổ sung tính năng hoạt động cho Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đến nay đã có 186/267 sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, cá nhân được đưa lên sàn thương mại điện tử, đạt tỷ lệ 70%, trong đó có 156 sản phẩm của 38 cơ sở được đăng tải trên hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Việc các tổ chức, cá nhân đăng ký đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử đã tạo thói quen giao dịch của người dân trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ được tổ chức, cá nhân trong quảng bá sản phẩm và tăng lượng giao dịch, góp phần tăng doanh thu và đánh giá được thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Hiện Quảng Ninh cũng đã đạt được 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời với đó tỉnh cũng công khai minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin...
Có thể thấy, phát triển kinh tế số chính là phương thức để thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từ đó thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, hướng tới trở thành tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()