Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:39 (GMT +7)
Bước tiến mới trong chuyển đổi số toàn diện ở Uông Bí
Thứ 3, 20/02/2024 | 15:36:47 [GMT +7] A A
Kết thúc năm 2023, công tác chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn TP Uông Bí đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra, đặc biệt là việc tiếp nhận giải quyết, ký số trả kết quả toàn trình trên hệ thống một cửa điện tử và trên cổng dịch vụ công quốc gia…
Để thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC, cuối tháng 8/2023, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Vàng Danh (TP Uông Bí) đã triển khai gắn mã QR Code tương ứng với 114 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên tất cả các lĩnh vực. Ông Ngô Quốc Phòng (phường Vàng Danh) cho biết: Với việc gắn mã QR Code, người dân chỉ cần sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh là có thể quét mã QR Code của các chuyên trang. Từ đó truy cập đầy đủ thông tin TTHC, được hướng dẫn về thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, lệ phí đăng ký, thực hiện đăng ký dịch vụ công trực tuyến và tra cứu nhiều thông tin có liên quan về TTHC trên từng hồ sơ. Điều này giúp chúng tôi giảm được thời gian nghiên cứu hồ sơ bằng giấy, giảm thời gian đi lại, dễ tiếp cận các TTHC.
Việc triển khai mã QR Code TTHC đã được TP Uông Bí thực hiện ở toàn bộ các xã, phường trên địa bàn và nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, ở chiều ngược lại, cách làm này cũng giúp cho chất lượng giải quyết TTHC ở các xã, phường được nâng cao và là giải pháp tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.
Ở các lĩnh vực khác, việc chuyển đổi số cũng được TP Uông Bí tập trung đẩy mạnh. Như trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, thành phố đã phối hợp Sở TN&MT triển khai phần mềm quản lý đất đai VNPT-iLIS. Phần mềm này hoạt động trên nền tảng mạng chuyên dùng WAN, cho phép chỉnh lý, đăng ký biến động đất đai, thực hiện các giao dịch đảm bảo về đất đai… trên môi trường điện tử, nhờ đó dễ dàng cập nhật, theo dõi biến động trên từng thửa đất. Cùng với gói cơ sở dữ liệu đất đai, Uông Bí cũng đã xây dựng phần mềm quản lý quy hoạch (GIS) của thành phố và từng bước cung cấp thông tin các quy hoạch của thành phố công khai trên mạng Internet để người dân và doanh nghiệp biết, sử dụng.
Để triển khai có hiệu quả đề án "Phát triển sản phẩm du lịch TP Uông Bí giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030", thành phố đang tập trung hoàn thành đề án "Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch TP Uông Bí" và đề án "Số hóa và truyền thông, quảng bá du lịch TP Uông Bí trên các nền tảng số"; xây dựng ứng dụng du lịch trên thiết bị di động. Hiện Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đang thí điểm triển khai đầu tư lắp đặt hệ thống kiểm soát vé điện tử có tích hợp giữa vé cáp treo với vé vãng cảnh tại Yên Tử.
Trong xây dựng chính quyền số, TP Uông Bí đã triển khai các TTHC ban hành mới đủ điều kiện, được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thống kê có 80% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến, 100% hồ sơ được số hóa ngay từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả cho người dân; 20% TTHC được cung cấp biểu mẫu nhập liệu, số hóa đầu vào gắn với bóc tách dữ liệu; 100% kết quả giải quyết TTHC đủ điều kiện được ký số và trả cho người dân trên môi trường số thông qua tài khoản công dân điện tử; 100% người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng chữ ký số trong xử lý công việc...
Về phát triển kinh tế số, thành phố đã phối hợp với các ngân hàng triển khai tạo hơn 95.000 tài khoản cho người dân và doanh nghiệp, cấp bảng mã QR code cho các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở buôn bán, các chợ trên địa bàn để khuyến khích khách hàng không dùng tiền mặt, chuyển khoản IPAY khi mua hàng; triển khai thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt tại 100% trường học trên địa bàn, tại Trung tâm Hành chính công thành phố và bộ phận một cửa các xã, phường.
Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Văn Thành cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024 thành phố sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, như xây dựng kế hoạch triển khai dữ liệu số trong lĩnh vực di sản và du lịch; tăng cường ký số toàn trình từ tham mưu đến phê duyệt trên hệ thống chính quyền điện tử; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số... Mục tiêu đặt ra là TP Uông Bí tiếp tục giữ thứ hạng cao trong bảng xếp hạng cải cách hành chính và chính quyền điện tử của tỉnh. Những nhiệm vụ và mục tiêu trên cũng sẽ đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương, đơn vị của toàn thành phố phải tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong tiến trình xây dựng Uông Bí có những bước tiến mới trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()