Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:32 (GMT +7)
Triển khai thành công Hóa đơn điện tử: Bước đột phá trong công tác thuế theo hướng chuyển đổi số, tạo nền tảng thuế điện tử
Thứ 6, 12/05/2023 | 14:53:46 [GMT +7] A A
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu với mọi quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số mang lại cho xã hội, Bộ Chính trị đã xác định chuyển đổi số là nội dung trọng tâm tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hướng tới mục tiêu phấn đấu hình thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện, hiện đại, phong phú trên mọi lĩnh vực theo chủ chương của Bộ Chính trị, thời gian qua, ngành Thuế đã chủ động đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong công tác thuế, trong đó đặc biệt phải kể đến là việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử. Đây là bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thuế theo hướng chuyển đổi số, có tính liên thông, tự động hóa cao, tạo dấu mốc quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số không chỉ của ngành Thuế, của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, mà cả đối với doanh nghiệp và người dân.
Hóa đơn là chứng từ gốc làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, do vậy hóa đơn có ý nghĩa rất quan trọng trên phương diện quản lý tài chính của người nộp thuế và cả trên phương diện quản lý của cơ quan nhà nước, đặc biệt là công tác quản lý của cơ quan thuế. Trong cuộc cách mạng 4.0 theo xu thế toàn cầu hóa, hiện đại hóa, hóa đơn giấy với những tồn tại, bất cập vốn có đã trở nên lạc hậu bởi sự hạn chế về khả năng tích hợp, đồng bộ dữ liệu với các ứng dụng công nghệ thông tin, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử (hóa đơn ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ dưới dạng dữ liệu điện tử) trở thành nhu cầu tất yếu, khách quan của cuộc sống, không những tạo “bước nhảy” trong cải cách lĩnh vực thuế, mà còn giúp các doanh nghiệp cải thiện và phát triển môi trường kinh doanh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển theo hướng chuyển đổi số, tạo điều kiện để doanh nghiệp hiện đại hóa công tác quản lý, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng; tăng cường hiệu quả, minh bạch, an toàn trong quản lý cho cả người nộp thuế, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác, từ đó làm lành mạnh nền tài chính Việt Nam, phù hợp xu hướng quốc tế.
Triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC với điểm mới quan trọng nhất là quy định về việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, theo đó kể từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp khấu trừ trên toàn quốc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Đây là các văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thay đổi phương thức quản lý và sử dụng hóa đơn theo hướng chuyển đổi số.
Với phương châm “lấy người nộp thuế là trung tâm để phục vụ”, cơ quan thuế đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác thuế, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, định dạng dữ liệu về hóa đơn, chứng từ điện tử, để thực hiện giao dịch điện tử giữa người nộp thuế với cơ quan quản lý thuế và giữa cơ quan quản lý thuế với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hệ thống ứng dụng hóa đơn điện tử của ngành Thuế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hệ thống này mang tính hiện đại, an toàn, bảo mật cao, có thể xử lý hàng nghìn giao dịch theo thời gian thực, có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn khoảng 6,4 tỷ hoá đơn mỗi năm; từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống thông tin về hóa đơn điện tử với khối lượng dữ liệu rất lớn, sử dụng trên nền tảng công nghệ số, tạo nền tảng thuế điện tử.
Với sự chủ động, sự quyết liệt của ngành Thuế, cùng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp tại các địa phương triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc đạt đúng lộ trình Bộ Tài chính đã đặt ra (thời hạn hoàn thành trước ngày 1/7/2022). Trong quá trình triển khai, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Tài chính tin tưởng lựa chọn là 1 trong 6 đơn vị triển khai áp dụng hóa đơn điện tử giai đoạn 1, bắt đầu từ tháng 11/2021. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và cơ quan chuyên môn, toàn thể đảng viên, công chức của Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp và cùng đồng hành với người nộp thuế trên địa bàn để triển khai hóa đơn điện tử vượt lộ trình của Bộ Tài chính đề ra với mục tiêu hoàn thành là tháng 3/2022. Kết quả, việc triển khai đối với doanh nghiệp, tổ chức về sớm hơn thời hạn của Bộ Tài chính đặt ra ba tháng; đối với hộ, cá nhân kinh doanh về sớm hơn thời hạn của Bộ Tài chính đề ra hai tháng; sớm hơn so với các đơn vị triển khai đợt 2 trên toàn quốc là 5 tháng. Với thành tích nêu trên, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là “điểm sáng” trong quá trình triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc.
Thời gian qua, ngành Thuế luôn chú trọng công tác vận hành, xử lý hạ tầng kỹ thuật Hệ thống hóa đơn điện tử nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định 24/7, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và xử lý cấp mã hóa đơn điện tử, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tính đến ngày 15/3/2023, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 3,3 tỷ hóa đơn điện tử.
Sau hơn một năm triển khai hóa đơn điện tử, đến thời điểm này, có thể khẳng định hóa đơn điện tử đã đi vào cuộc sống, chứng minh được những ưu thế vượt trội so với hóa đơn giấy và có tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thói quen tiêu dùng của cá nhân và chức năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước theo hướng chuyển đổi số, nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, được người dân, tổ chức, doanh nghiệp đồng thuận và đánh giá cao.
Triển khai thành công hóa đơn điện tử đã tạo đà phát triển nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp dễ dàng gửi, nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế, qua đó cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng thụ hưởng lợi ích của hóa đơn điện tử mang lại.
Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ, người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp, tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin về hóa đơn người bán gửi cơ quan thuế. Đối với doanh nghiệp, sử dụng hóa đơn điện tử giúp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn...); giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy.
Đối với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, sử dụng hóa đơn điện tử giúp thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi; giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn; giảm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn.
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế; góp phần thay đổi phương thức quản lý trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến các quy trình nghiệp vụ theo hướng xử lý, kiểm soát dữ liệu tự động giúp cơ quan thuế sử dụng hiệu quả nguồn lực, chi phí... Đồng thời, góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Cùng với đó, hóa đơn điện tử giúp chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Triển khai hóa đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác; mang nhiều lợi ích chung cho xã hội như: Tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.
Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (trong đó có triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền) là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính (ngành Thuế) trong chương trình Chuyển đổi quốc gia và chiến lược Chính phủ điện tử được phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Chính phủ. Đây cũng là một trong những giải pháp trọng yếu để hiện thực hóa quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện đối với cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị trong chương trình chuyển đổi số, tạo nền tảng thuế điện tử, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
CTV Thu Huyền - Cục Thuế tỉnh
Liên kết website
Ý kiến ()