Theo The Value, Gia ngẫu được hãng China Guardian gõ búa hôm 26/6, là tác phẩm được bán với giá cao nhất trong số 70 tranh, thư pháp đấu giá ở sự kiện.
Tất cả chuyên mục
Tranh hoa sen Tề Bạch Thạch vẽ khi ngoài 90 tuổi bán giá 55,2 triệu nhân dân tệ (8,2 triệu USD).
Theo The Value, Gia ngẫu được hãng China Guardian gõ búa hôm 26/6, là tác phẩm được bán với giá cao nhất trong số 70 tranh, thư pháp đấu giá ở sự kiện.
Gia ngẫu hoàn thành khi Tề Bạch Thạch (1864-1957) ngoài 90 tuổi, dù vậy tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá đường nét sinh động, khắc họa thiên nhiên tràn đầy sức sống. Nét vẽ thủy mặc đậm, vừa rắn rỏi vừa tươi mới.
Bức tranh cao hai mét, tái hiện khung cảnh cuối hạ, đầu thu. Hoa sen được vẽ ở góc trên và góc dưới, phía trên hoa nở rộ còn hoa phía dưới đang lụi tàn. Hai chú vịt là nét chấm phá tinh nghịch của họa sĩ già, khi một con nhìn lên hoa, một con như đang nhìn người ngắm tranh.
Gia ngẫu thể hiện lối sống, tinh thần của Tề Bạch Thạch giai đoạn cuối đời. Ông từng làm một bài thơ ngắn về sở thích tuổi ngoài 90: "Lòng người già, không chán hương sen. Sợ nhất bò cừu, thích nhất chim uyên ương".
Tác phẩm từng được nhà sưu tầm Trương Tông Hiến mua năm 1999 với giá 11 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD). Tề Bạch Thạch là tên tuổi vĩ đại của hội họa Trung Quốc, sở trường vẽ sơn thủy, hoa lá, chim cá. Theo thống kê do ArtPrice - công ty nghiên cứu thị trường của Pháp - thực hiện, Tề Bạch Thạch xếp thứ ba toàn cầu trong danh sách họa sĩ có tác phẩm bán được nhiều tiền nhất năm 2009, sau Andy Warhol và Picasso.
Theo Artnet News, cuối năm 2017, bức tranh sơn thủy vẽ năm 1925 của Tề Bạch Thạch được gõ búa ở mức 930 triệu nhân dân tệ (146 triệu USD), lập kỷ lục tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc đắt giá nhất. Ông đồng thời là nghệ thuật gia Trung Quốc đầu tiên vào "câu lạc bộ" nghệ sĩ có tác phẩm trị giá trên 100 triệu USD.
Họa sĩ từng nói: "Cái hay của tranh nằm ở giữa 'giống' và 'không giống'. Giống thì tầm thường quá, thiếu tư tưởng và góc nhìn của nghệ sĩ, mà không giống thì là lừa phỉnh người xem". Ông còn từng khuyên các học trò: "Học ta thì sống mà giống ta thì chết", nhắc học trò tìm tòi sự khác biệt, nếu không tác phẩm sẽ không có sức sống lâu bền.
Ý kiến ()