Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 20/01/2025 19:06 (GMT +7)
Bức tranh nào cho thị trường bán lẻ năm 2025
Thứ 2, 20/01/2025 | 15:29:12 [GMT +7] A A
Thị trường bán lẻ đã tăng trưởng không như kỳ vọng trong năm 2024 song được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong năm 2025. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tăng cường mở mới các điểm bán để nắm bắt cơ hội này.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ mở mới kênh phân phối
Giữa tháng 1 vừa qua, AEON Việt Nam đã khai trương AEON Xuân Thủy (Cầu Giấy), tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng hóa mô hình bán lẻ. Thay vì tập trung vào những trung tâm thương mại và đại siêu thị như giai đoạn đầu ra mắt tại Việt Nam, hiện nay, AEON đã chú trọng đến việc phát triển các mô hình bán lẻ với quy mô khác nhau gần các khu dân cư, từ đó mang đến sự tiện lợi cho khách hàng.
Ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc điều hành Tập đoàn AEON phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ, AEON Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau. Không chỉ nằm trong các trung tâm mua sắm của AEON, chúng tôi đồng thời cũng sẽ mở rộng và phát triển thêm tại các trung tâm thương mại của các đối tác khác. Về diện tích, mặc dù khác nhau, nhưng tất cả các điểm bán lẻ của AEON Việt Nam đều đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng từ thực phẩm, gia dụng, mẹ và bé, thời trang…
Bên cạnh bán lẻ truyền thống, bán lẻ đa kênh cũng đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam. Tháng 10 vừa qua, Sapo - Nền tảng quản lý và bán hàng hợp kênh đã chính thức giới thiệu ra thị trường Nền tảng quản lý và bán hàng hợp kênh Sapo OmniAI, tận dụng sức mạnh của Headless Commerce và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra một phiên bản Sapo hoàn toàn vượt trội.
Với cốt lõi là công nghệ Headless Commerce, Sapo OmniAI là bước đột phá tiếp theo của Sapo, giải pháp tiên tiến cho phép doanh nghiệp từ một nền tảng quản lý mọi kênh bán hàng, bắt nhịp mọi xu hướng kinh doanh mới trên thị trường, đồng thời tập trung vào người mua mang lại trải nghiệm mua sắm đa kênh liền mạch.
Đây là hai trong số những điểm nổi bật trong bức tranh tương đối sôi động của thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt ở nửa cuối năm. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, ngành bán lẻ Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức và tăng 8,3% so với năm trước.
Điểm sáng trong bức tranh bán lẻ năm 2024 chính là thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, doanh thu thương mại điện tử tăng cao, chiếm trung bình khoảng 20% trong tổng mức bán lẻ.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số.
Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18-25% mỗi năm.
Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu B2C đạt 20,5 tỷ USD. Năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 20%, với quy mô doanh thu B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) vượt mốc 20,5 tỷ USD. Với kết quả khả quan nêu trên, dự báo, năm 2024, quy mô thị trường bán lẻ sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động. Theo khảo sát của Việt Nam Report, có 79,2% số doanh nghiệp chọn bán hàng đa kênh.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát chất lượng đầu vào (tăng 22,6% so với kết quả khảo sát năm 2023). Các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã tăng cường mối liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ logistics, hướng tới sự bền vững và ổn định.
Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại được quan tâm, nhất là phân khúc thị trường nông thôn, giúp người dân mua sắm thuận tiện, văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thông tin thêm, năm 2024 chứng kiến sự chuyển hoá giữa tỷ trọng bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống khi lần đầu tiên sau dịch Covid-19, tỷ lệ bán lẻ truyền thống tụt sâu hơn, đây là sự chuyển biến phù hợp với xu thế. Nếu như thời điểm trước dịch Covid-19, tỷ trọng của bán lẻ hiện đại là 24%, sau dịch giảm xuống 18-19% thì đến năm 2025, bán lẻ hiện đại tăng lên 25%. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ bán lẻ hiện đại chiếm 28-30%, tăng cao hơn so với các tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ trọng các nhà bán lẻ nước ngoài đang chiếm khoảng 2/3 thị trường bán lẻ Việt Nam ở phân khúc bán lẻ hiện đại. Điều này giúp thị trường bán lẻ phát triển mạnh hơn, tiệm cận với các nước lớn trên thế giới bởi các nhà bán lẻ nước ngoài thường có tiềm lực kinh tế lớn. Song, điều này cũng gây sức ép nhất định đối với các doanh nghiệp nội.
Kỳ vọng sức vươn của thị trường bán lẻ năm 2025
Năm 2025, dự báo thị trường bán lẻ sẽ sôi động hơn khi kinh tế Việt Nam có dư địa để tăng trưởng mạnh hơn sau 1 năm người dân thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành bán lẻ, giúp doanh nghiệp tận dụng được tối đa cơ hội từ thị trường 200 tỷ USD, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần hướng tới việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại; trong đó, đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.
Mặt khác, nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác; trong đó, khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.
Về phía doanh nghiệp, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế, Wincommerce đề nghị các bộ, ngành, địa phương đầu tư phát triển mạng lưới logistics quốc gia, đầu tư hệ thống kho bãi, vận tải và các trung tâm logistics hiện đại… nhằm giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận định thêm, năm 2025, các xu hướng mới từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử, đến sự phân hóa hành vi tiêu dùng không chỉ hình thành lại thị trường, mà còn tạo ra cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh, nắm chắc sự chuyển đổi xu hướng tiêu dùng của người dân để đáp ứng cho phù hợp. Phối hợp trực tiếp với các nhà sản xuất để lựa chọn sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, cạnh tranh trên thị trường lành mạnh. Có các giải pháp để đối phó với các sản phẩm ngoại nhập giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường.
Năm 2025, Bộ Công thương phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Các giải pháp kích cầu tiêu dùng để đạt con số tăng trưởng 10% sẽ được Bộ Công thương phối hợp với các doanh nghiệp triển khai, là cơ hội khơi dậy tiềm năng lớn cho thị trường bán lẻ.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()