Theo tổng kết những tác phẩm nghệ thuật được đấu giá cao nhất trong năm 2021 của trang The Value, tranh canvas Journey of Humanity (Hành trình của nhân loại) của Sacha Jafri đứng thứ 10 với 62 triệu USD.
Tất cả chuyên mục
"Journey of Humanity" - bức tranh lớn nhất thế giới, diện tích 1.579 m2, được bán giá 62 triệu USD.
Theo tổng kết những tác phẩm nghệ thuật được đấu giá cao nhất trong năm 2021 của trang The Value, tranh canvas Journey of Humanity (Hành trình của nhân loại) của Sacha Jafri đứng thứ 10 với 62 triệu USD.
Đầu năm 2020, Sacha Jafri bị mắc kẹt tại khách sạn Atlantis The Palm ở Dubai do giãn cách xã hội. Họa sĩ nảy ra ý tưởng sáng tác tranh thể hiện sự kết nối và cô lập, nhằm gây quỹ 30 triệu USD cho trẻ em nghèo. Jafri sử dụng mạng xã hội, kêu gọi trẻ em trên toàn thế giới vẽ tranh về trải nghiệm của các em thời dịch và gửi cho anh. Họa sĩ sau đó nhận được hàng trăm bức tranh ở hơn 140 quốc gia, dùng làm ý tưởng cho Journey of Humanity.
Trên CNN, họa sĩ nói: "Tôi mắc kẹt ở Dubai và muốn tạo ra một điều gì đó sâu sắc, ý nghĩa. Chúng ta, những người trưởng thành, cảm thấy thật khó khăn vì dịch. Vậy tưởng tượng một đứa trẻ bốn tuổi sẽ thấy ra sao?".
Họa sĩ mượn phòng khiêu vũ của khách sạn làm nơi sáng tác. Anh dùng cọ và vẽ nhỏ giọt theo phong cách trừu tượng đầy màu sắc. Tác phẩm được hoàn thành sau 28 tuần, từ tháng 2 đến tháng 10/2020, sử dụng 1.065 cọ và 6.300 lít sơn. Trên BBC, Jafri nói: "Tôi ở trong trạng thái thiền định sâu sắc. Tôi đã xem qua tất cả tác phẩm của bọn trẻ rồi vẽ từ trong tiềm thức. Không có bản phác thảo nào. Tôi đổ sơn và sau đó vẽ hết lớp này đến lớp khác, theo cách cảm nhận riêng cho đến khi điều kỳ diệu xảy ra".
Theo Artnet, việc cúi xuống sàn nhà để vẽ trong 16 - 20 giờ mỗi ngày, suốt bảy tháng, khiến Jafri bị thương ở xương chậu và bàn chân, phải phẫu thuật cột sống. Tuy nhiên, họa sĩ không bỏ cuộc.
Journey of Humanity có tổng diện tích 1.579 m2. Tranh được ghi vào kỷ lục của Guinness là tác phẩm canvas lớn nhất thế giới. Tác giả sau đó chia bức tranh thành 70 phần được đặt tên, đánh số, biên mục và đóng khung riêng. Bức tranh lần đầu được công bố vào tháng 2/2021, tại Phòng trưng bày Leila Heller ở Dubai.
Tại sự kiện đấu giá từ thiện ở Dubai hôm 24/3/2021, tranh được Andre Abdoune - doanh nhân tiền điện tử người Pháp - mua với giá 227.757.000 AED (khoảng 62 triệu USD), gấp hơn hai lần kỳ vọng của họa sĩ. Số tiền thu được dùng để quyên góp các tổ chức như UNESCO, UNICEF..., giúp đỡ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Andre Abdoune nói trên AFP: "Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo và tôi biết cảm giác không có gì để ăn. Nhưng ít nhất tôi có tình yêu thương của cha mẹ, trường học và sự giúp đỡ. Bức tranh gây ấn tượng mạnh khi tôi nhìn thấy nó. Đối với tôi, thật sai lầm khi tách chúng ra thành từng mảnh".
Tác phẩm giúp Sacha Jafri trở thành họa sĩ còn sống đắt giá thứ tư trên thế giới, sau Jeff Koons, David Hockney và Beeple. Họa sĩ sinh năm 1977 tại Anh, có cha là người Ấn Độ, mẹ người Pháp. Jafri tốt nghiệp Đại học Eton, sau đó lấy bằng thạc sĩ Mỹ thuật tại Đại học Oxford. Họa sĩ từng quyên góp nhiều tác phẩm, tiền mặt cho các hoạt động từ thiện.
Ý kiến ()