Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:10 (GMT +7)
Bức tranh kinh tế-xã hội của đất nước: Lạc quan, không chủ quan
Thứ 2, 07/11/2022 | 08:56:21 [GMT +7] A A
Qua 3/4 chặng đường năm 2022, bức tranh kinh tế-xã hội của đất nước đã thể hiện rõ những nét phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các ngành, lĩnh vực qua nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời có những quyết định mang tính chất lịch sử, bước ngoặt, thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Nhờ đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng, vượt mọi dự báo trong 10 tháng qua, tạo nền tảng vững chắc để trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo. Chỉ tiêu GDP chín tháng tăng trưởng 8,83% so cùng kỳ là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,73%. Tính đến hết tháng 10/2022, CPI tăng 2,89%, tương đương cùng kỳ các năm 2018 trở lại đây.
Trước biến động của lạm phát thế giới và nguy cơ khủng hoảng năng lượng, khan hiếm lương thực toàn cầu, Chính phủ kịp thời, chủ động điều hành giá điện, xăng dầu và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý; giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Chính sách tiền tệ được thực hiện chủ động, thích ứng biến động nhanh và mạnh hơn của thị trường quốc tế, điều hành tỷ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.
Trong biến động của dòng đầu tư toàn cầu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi tích cực và tăng mạnh ở vốn thực hiện, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế,…
Nhưng bức tranh kinh tế không chỉ có mầu hồng. Trong ngắn hạn, dư địa cho điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ ngày càng thu hẹp; công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu chưa theo nguyên tắc thị trường làm ảnh hưởng nguồn cung và giá bán lẻ trong nước; tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế trong các bệnh viện trở nên căng thẳng; tăng trưởng các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy đã đạt ở mức cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch Covid-19; bối cảnh khó khăn, bất ổn của kinh tế thế giới đã và đang tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong nước; tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động tăng cao,...
Trong khi đó, những vấn đề nội tại của nền kinh tế tích tụ nhiều năm đã đến lúc cần phải giải quyết. Ðó là việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và những yêu cầu mới đặt ra cho nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang xấu đi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đà phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Ðáng lưu ý, những khó khăn, thách thức trong thời gian tới được dự báo là rất lớn với nhiều yếu tố bất định, khó lường và tác động nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn. Trong bối cảnh đó, dù có thể hoàn toàn lạc quan với triển vọng phục hồi kinh tế nhưng chúng ta cũng không được thỏa mãn, chủ quan, đặc biệt là những yếu tố tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn,… Các ngành, địa phương cần triển khai có hiệu quả hơn nữa những giải pháp đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, khơi thông động lực tăng trưởng, khai thác tối đa nội lực bên cạnh việc huy động và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài để tận dụng mọi cơ hội phát triển của đất nước.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()