Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:38 (GMT +7)
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bức tranh chưa có điểm nhấn mới
Thứ 6, 09/09/2022 | 15:10:52 [GMT +7] A A
Giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp công nghệ cao Quảng Ninh có những điểm nhấn với 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về trồng trọt và thủy sản, cùng những mô hình sản xuất nông nghiệp giầu chất xám. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh có dấu hiệu chững lại, không có những điểm nhấn mới.
Sớm định hình các mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Việc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Vingroup, Việt - Úc… lần lượt đầu tư nông nghiệp tại Quảng Ninh, cùng tỉnh thực hiện lộ trình hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao những năm 2016, 2017 được coi là điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Quảng Ninh.
Ở thời điểm đó, tỉnh dành cho 2 đơn vị này quỹ đất sạch, mặt bằng rộng, vị trí đẹp, thuận lợi để phát triển sản xuất; đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ bản cùng các chính sách ưu đãi khác. Trong đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco của Vingroup đã được giao 109ha tại xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều); khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản của Tập đoàn Việt - Úc được giao 169,5ha tại xã Tân Lập (huyện Đầm Hà).
Vingroup đã thành công trong việc đưa giống mới nhập ngoại, áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, tưới tiêu tự động… vào sản xuất, cho ra những nông sản đủ điều kiện có mặt trong những siêu thị uy tín cả nước; Việt - Úc thành công với công nghệ sản xuất giống tôm lần đầu có mặt tại Quảng Ninh, xóa "điểm nghẽn" về con tôm giống bao năm qua.
Sản lượng rau, củ, quả của VinEco kể từ năm 2020 đạt ổn định 100-120 tấn/tháng, cao điểm gần 200 tấn/tháng; 100% đầu ra tại hệ thống siêu thị Vinmart. Sản lượng tôm giống của Việt - Úc kể từ sau mẻ tôm giống đầu tiên (tháng 3/2019) ổn định sản xuất trên 1 tỷ con tôm giống/năm. 8 tháng năm 2022, Việt - Úc xuất gần 1,5 tỷ con tôm giống, vượt kế hoạch cả năm. Việt - Úc đang chuẩn bị đưa ra thị trường giống tôm chịu lạnh cho nuôi vụ đông...
Cùng với 2 điểm nhấn trên, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh còn được biết đến với những mô hình nuôi tôm đa giai đoạn, nuôi tôm trong nhà, cho phép làm chủ môi trường nuôi, sản lượng đạt đến 200 tấn/ha/năm, tiết kiệm chi phí sản xuất 30%. Mô hình sản xuất hoa tươi cao cấp bằng công nghệ Invitro của Đài Loan, sản xuất 1 tỷ cây giống/năm, tiết kiệm 15% chi phí. Mô hình trồng rau xanh, cây trái bằng công nghệ Israel tăng đến 25-30% năng suất. Các mô hình thụ tinh nhân tạo cho gà; thụ tinh chủ động cho na; lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi…
Dấu hiệu chững lại
Mặc dù đã có nền tảng, tuy nhiên thời gian gần đây, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh có dấu hiệu chững lại, không có những điểm nhấn mới.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco bước đầu có các hoạt động khảo nghiệm, lựa chọn giống, tuy nhiên chỉ là để phục vụ sản xuất của VinEco. VinEco chưa triển khai được các hạng mục cơ bản của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như trình diễn mô hình sản xuất hiện đại; chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật canh tác tiên tiến; lựa chọn, giới thiệu giống mới về cây trồng cho người dân đưa vào sản xuất, nhân rộng; thu hút doanh nghiệp tham gia các hoạt động canh tác trồng trọt giầu chất xám tại khu; chưa nâng cao giá trị sản xuất trực tiếp…
Đầu năm 2022, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động. UBND tỉnh thành lập bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị chủ quản là BQL các dự án công trình NN&PTNT tỉnh. Tuy nhiên, về hoạt động hạ tầng, cơ sở công nghệ, thiết bị của VinEco Quảng Ninh chưa có đổi mới đáng kể. Đáng nói là các hạng mục theo quy định, theo mong đợi tại VinEco chưa được triển khai.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản tại Đầm Hà, lộ trình thành lập bị chậm lại. Tập đoàn Việt - Úc vẫn đang làm tốt phần việc của mình là sản xuất tôm giống đáp ứng nhu cầu toàn tỉnh cũng như các tỉnh, thành phố lân cận, từng bước đưa giống tôm chịu lạnh ra thị trường. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ với một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh đầu tư và kỳ vọng.
Theo đại diện Tập đoàn Việt - Úc, đơn vị lâu nay sẵn sàng các điều kiện để triển khai các hoạt động nuôi thương phẩm công nghệ cao, mới, vừa để nâng cao giá trị, vừa là mô hình trình diễn để khuyến khích nhân rộng trong nhân dân. Việt - Úc có đội ngũ kỹ thuật tay nghề cao, có thể hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các cá nhân, tập thể có nhu cầu tham gia nuôi tôm. Việt - Úc xác định dành quỹ đất khoảng 40ha để thu hút doanh nghiệp vào cùng đầu tư… Tuy nhiên, cái vướng hiện nay là mặt bằng chưa được giao hoàn toàn, phần đã được giao diện tích nhỏ, chưa thực sự thuận lợi để triển khai các hạng mục như mong muốn.
Thực tế gần 170ha theo quy hoạch dành cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản tại Đầm Hà, đến nay mới giải phóng và bàn giao cho nhà đầu tư được 37ha. Với diện tích này, Việt - Úc đã triển khai các trại sản xuất giống, khu nuôi thử nghiệm, khu xét nghiệm PCR, khu hành chính… Phần diện tích còn lại nằm trên đồi cao, khó có thể triển khai các hạng mục về thủy sản, nhất là các khu nuôi thương phẩm, khu trình diễn như theo kế hoạch. Bởi các hạng mục này đòi hỏi kéo theo những công trình phụ trợ khác cần mặt bằng thấp và nguồn nước biển.
Ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kể trên, nông nghiệp Quảng Ninh vẫn có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác liên quan đến nuôi tôm, gà, bò, trồng hoa lan, chế biến hàu, trồng nấm đông trùng hạ thảo… Tuy nhiên, các mô hình này vẫn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu tính liên kết và phát triển bền vững. Điều này cho thấy bức tranh nông nghiệp công nghệ cao của Quảng Ninh hiện tại thực sự chưa có những điểm nhấn mới cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển đề ra.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()