Bác sĩ chuyên khoa 2, Đỗ Thị Ngọc Diệp (Phó chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng và thực phẩm TP HCM) khuyên như trên. "Lý do là ăn nhiều muối, đường, chất béo sẽ làm ảnh hưởng tế bào bạch cầu, cản trở quá trình hồi phục của người bệnh Covid-19", bác sĩ Ngọc Diệp giải thích.
Khi sơ chế thức ăn cần rửa sạch kỹ, cắt nhỏ, chế biến thức ăn mềm mịn, chín. Ước tính khẩu phần vừa đủ, ăn ngay sau khi nấu, thức ăn còn ấm nóng để đảm bảo khẩu vị, dinh dưỡng. Việc lựa chọn dụng cụ đựng thức ăn cũng rất quan trọng, cần chọn dụng cụ đựng chịu được nhiệt độ cao, không biến dạng biến chất khi đựng thức ăn nóng hay bổ sung thêm các thành phần khác như dầu giấm..., bác sĩ Diệp chia sẻ.
Trong trường hợp chưa thể ăn ngay, cần đảm bảo nhiệt độ bảo quản phù hợp với từng loại thức ăn. Thức ăn nóng cần bảo quản trên 60 độ, thức ăn lạnh bảo quản dưới 5 độ C. Với các loại thịt cá dày, nhiệt độ khi nấu chín phần trung tâm của thực phẩm phải đạt từ 70 độ, có thể sử dụng nhiệt kế khi nấu ăn. Nếu không có nhiệt kế có thể đun sôi thực phẩm và nấu thêm 5 phút với các loại thịt có khối lượng to dày như thịt cá, với rau củ thì cần nấu thêm 2-3 phút.
Người bệnh Covid-19 cần tránh sử dụng các thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh, hoặc đến hạn, quá hạn sử dụng, thực phẩm cắt khỏi bao bì nhưng không được bảo quản đúng cách, món có nhiều muối, phụ gia, đặc biệt là chất béo bão hòa như xúc xích, lạp xưởng... Tránh sử dụng các chất kích thích trong thời gian điều trị bệnh như bia rượu...
Theo bác sĩ Diệp, các nghiên cứu cho thấy có khoảng 50-60% F0 mất vị giác, khứu giác, tuy nhiên triệu chứng này thường xảy ra trong thời gian ngắn, người bệnh không nên quá lo lắng. Để tăng cảm giác ngon miệng, có thể trộn nhiều thực phẩm như rau củ hạt với dầu giấm, nước sốt để tăng hương vị. Bổ sung chất đạm từ động vật như gà, heo, bò, đặc biệt là cá giúp tăng cảm giác ngon miệng.
Năng lượng cần cho người bệnh dao động 35-40 kcal/kg. Do đó trong một bữa ăn sẽ cần khoảng 100 g thịt theo hoặc gà, bò cá, ưu tiên cá béo để tăng omega 3 giúp kháng viêm, tốt cho người bệnh Covid-19. Trong bữa ăn nên có khoảng 400 g rau, 100-200 g trái cây. Chọn rau xanh đậm, trái cây có màu vàng, cam đỏ sẽ chứa nhiều vitamin C, magie, khoáng chất tăng miễn dịch.
Nhóm hạt, ngũ cốc, nên sử dụng loại nguyên vỏ vì ngoài các khoáng chất, kẽm cần thiết còn có chứa chất xơ hòa tan, xúc tác tiêu hóa thực phẩm tốt hơn. Nhóm chất béo cần chọn dầu ăn thực vật như đậu nành, ôliu, đậu phộng... Ngoài ra nên uống thêm sữa, ăn sữa chua trong các bữa phụ, sữa bổ sung thêm canxi, vitamin D, A....
"Người bệnh nên thực hành chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện thể thao, giữ tinh thần lạc quan, cố gắng trong thời gian ngắn thay đổi chế độ nấu nướng, ăn uống lành mạnh để mau hồi phục", bác sĩ khuyến cáo.
Ý kiến ()