Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:42 (GMT +7)
Bóng chuyền nữ Quảng Ninh trước thềm sân chơi VĐQG
Thứ 7, 31/12/2022 | 08:41:29 [GMT +7] A A
Bóng chuyền nữ Quảng Ninh vừa kết thúc hành trình thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 ở vị trí thứ 4. Có thể nói, dù chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, nhưng đội đã thi đấu đầy nỗ lực, mang lại cho người hâm mộ nhiều bất ngờ. Qua giải đấu cũng cho thấy rõ hơn nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt khi Giải Vô địch quốc gia (VĐQG) 2023 sẽ sớm khởi tranh vào cuối tháng 2/2023.
Bóng chuyền nữ tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 có 10 đội chia làm 2 bảng đấu. Các tỉnh, thành, ngành thi đấu phần lớn là các đội mạnh như: Đương kim Vô địch Đại hội Thể thao Long An, đương kim Á quân Quân đội, Ninh Bình, đương kim Vô địch Giải VĐQG Thái Bình... Nữ Quảng Ninh rơi vào bảng đấu "tử thần" gồm cả Long An, Quân đội và Thái Bình.
Trong khi đó, trước thềm Đại hội Thể thao, bóng chuyền nữ Quảng Ninh đón tin không vui khi chuyền 2 trẻ Hồ Thị Thu Trang không thể thi đấu do vấn đề cá nhân. Thiệt thòi lớn khi thiếu nhân sự cho vị trí quan trọng nhất - “linh hồn” dẫn dắt lối chơi của đội khiến HLV Nguyễn Tuấn Kiệt phải sử dụng chuyền 2 Trần Hoàng Kim đã 38 tuổi cho hành trình tranh tài tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022.
Vì những bất lợi đó, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt chỉ có cách cố gắng khi chia sẻ: Đội sẽ nỗ lực hết mình từng trận một để vượt qua vòng bảng. Với lực lượng hiện có, vị trí thứ 3 là thực tế, khả quan nhất, giúp Quảng Ninh tránh được tối đa các đội mạnh.
Theo thể thức thi đấu mới tại Đại hội Thể thao lần này, mỗi bảng đấu sẽ lấy 4/5 đội, các đội sau đó tiến hành đấu chéo ở tứ kết và bán kết. Điều này nghĩa là càng xếp vị trí cao ở vòng bảng, đối thủ sẽ nhẹ hơn và khả năng vào sâu càng cao.
Bất ngờ là với đội hình thiếu chiều sâu, có nhiều sứt mẻ, nhưng Quảng Ninh lại thi đấu tốt ở vòng bảng khi ngược dòng thắng đương kim Vô địch Đại hội Thể thao Long An, hạ đương kim Á quân Quân đội, thắng Bắc Ninh, chỉ thua sát nút Thái Bình... Qua đó giành vị trí nhất bảng, chỉ phải gặp đối thủ yếu Thanh Hóa ở tứ kết. Kết quả thuận lợi này giúp Quảng Ninh rộng đường vào bán kết.
Có thể khẳng định, thành công này có dấu ấn rõ ràng của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt khi liên tục điều chỉnh chiến thuật, động viên kịp thời, sử dụng luân phiên VĐV... để bóng chuyền nữ Quảng Ninh vượt qua những thời khắc khó khăn. Tuy nhiên, Quảng Ninh thể hiện sự đuối sức ở một giải đấu có mật độ thi đấu khá dày, đặc biệt khi gặp các đối thủ mạnh và chấp nhận dừng chân với vị trí thứ 4 chung cuộc tại Đại hội Thể thao.
Từ Đại hội Thể thao có thể thấy rõ, việc đội hình thiếu chiều sâu, nhất là thiếu chuyền 2 có chất lượng đang là mối lo của bóng chuyền nữ Quảng Ninh. Đây là yếu điểm cần phải khắc phục nhanh chóng khi Giải VĐQG năm 2023 sẽ sớm khởi tranh cuối tháng 2/2023.
Giải VĐQG 2023 sẽ có nhiều đổi thay khi chỉ thi đấu vào 3 ngày cuối tuần (thứ 6, thứ 7, Chủ nhật) và kéo dài cả tháng. Không chỉ vậy, tại Giải VĐQG, các đối thủ Quảng Ninh từng gặp ở kỳ Đại hội Thể thao vừa qua sẽ có thay đổi mạnh mẽ khi được bổ sung lực lượng, đặc biệt là những ngoại binh chất lượng, vốn được đánh giá chiếm đến 50% sức mạnh của một đội bóng.
Có thể thấy rõ nhiều đội đã mạnh lên đáng kể, thậm chí "thay da đổi thịt" nhờ chiêu mộ được những tài năng từ nguồn lực của nhà tài trợ. Đơn cử như Thái Bình, vốn không phải là đối thủ mạnh, thế nhưng sau khi có nhà tài trợ Geleximco, đội bóng này đã đổi thay nhiều, tuyển mộ ngoại binh chất lượng... Kết quả là Thái Bình đã lần đầu tiên giành chức Vô địch ở mùa giải năm 2022 sau 15 năm chờ đợi.
Trong khi đó, những đội không có nhà tài trợ như Đắk Lắk, Quảng Ninh... thì khá vất vả để cải thiện vị trí. Hiện Đắk Lắk đã chính thức xuống hạng, thay thế vào vị trí đó tại Giải VĐQG 2023 là nữ TP Hồ Chí Minh. Bóng chuyền nữ Quảng Ninh hiện nguồn lực không dồi dào và chưa có nhà tài trợ, vì vậy sẽ có nhiều khó khăn ở sân chơi VĐQG sắp tới.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()