Chiều 30/1, một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết tuyến Liên Á (Intra Asia - IA) gặp trục trặc từ ngày 28/1. Nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore khoảng 130 km, làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore qua IA.
Sự cố IA nâng tổng số cáp quang biển gặp lỗi lên bốn tuyến. Trước đó, vấn đề với các tuyến AAE, AAG, APG diễn ra từ năm 2022 và đầu 2023 vẫn chưa được khắc phục xong.
Việt Nam hiện kết nối với bảy tuyến cáp quang biển là SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, SJC2, ADC. Tuy nhiên trong số này, SJC2 và ADC vẫn chưa đi vào vận hành chính thức. Tuyến duy nhất còn hoạt động là SMW3 lại là tuyến cáp cũ và chuẩn bị được thanh lý.
Việc bốn trên năm tuyến cáp đồng thời gặp sự cố khiến việc truy cập Internet đi quốc tế của người dùng Việt chịu ảnh hưởng nặng. Phương Thanh, ở Cầu Giấy (Hà Nội), nói cô bắt đầu cảm nhận Internet chập chờn từ ngày 29/1 khi thấy ứng dụng xem phim trên TV hạ xuống độ phân giải thấp nhất. "Tôi định xem nốt bộ phim để kết thúc kỳ nghỉ Tết, nhưng hình ảnh mờ nhòe, chập chờn, rất khó chịu", Thanh cho hay.
Thành Trung, một người kinh doanh online tại TP HCM, cũng cho biết anh gặp sự cố với đường truyền Internet ngay khi mở cửa hàng sáng 30/1. "Tôi dự định khai xuân với hơn chục đơn hàng chờ xử lý, nhưng gần một tiếng không thể truy cập trang quản lý, đồng nghĩa đơn hàng bị treo, trong khi khách đang chờ", anh nói, cho biết chưa bao giờ Internet trên máy tính của anh chậm đến vậy. Khi chuyển sang mạng di động, tình trạng cải thiện, nhưng vẫn chậm hơn khá nhiều so với trước.
Đại diện nhà mạng VNPT xác nhận, với việc sự cố xảy ra trên cả bốn hệ thống cáp biển, việc truy cập Internet quốc tế của người dùng sẽ bị "ảnh hưởng ít nhiều", đặc biệt trong giờ cao điểm và ở những hoạt động đòi hỏi băng thông Internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim. "Đây là sự cố bất khả kháng và gây ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp Internet của Việt Nam", VNPT thông tin chiều 30/1.
Các nhà mạng khẳng định đang làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố, đồng thời thực hiện một số biện pháp ứng cứu như chia sẻ tải giữa các link quốc tế, chủ động phối hợp với các dịch vụ Internet như Facebook, TikTok, YouTube... để tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bằng cách bổ sung tài nguyên cáp trên đất liền.
Ý kiến ()