Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:43 (GMT +7)
Bốn mức độ bệnh ở trẻ mắc Covid-19
Thứ 5, 11/11/2021 | 16:18:21 [GMT +7] A A
Theo thông tin của Bộ Y tế, 55% trẻ em mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên, tiêu hóa.
55% trẻ mắc Covid không triệu chứng hoặc nhẹ
Theo Bộ Y tế, phần lớn trẻ em mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (chiếm 55%). Tỷ lệ diễn biến bệnh ở mức trung bình (chiếm 40%), nặng (chiếm 4%), nguy kịch (chiếm 0,5%). Đối với trẻ mắc bệnh nền, trẻ dưới 12 tháng tuổi, có nguy cơ cao diễn biến nặng.
Thời gian ủ bệnh của bệnh nhi mắc Covid-19 từ 2-14 ngày, trung bình là 4-5 ngày. Bộ Y tế cũng thông tin, bệnh khởi phát với một hay nhiều triệu chứng, như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng.
Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi hay viêm phổi và tự hồi phục sau 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh.
4 mức độ bệnh ở trẻ mắc Covid-19
Có khoảng 0,7% số trẻ mắc bệnh cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ ra các yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng ở trẻ. Đó là trường hợp trẻ đẻ non, nhẹ cân; béo phì, thừa cân; đái tháo đường… Trẻ có bệnh thận mạn tính, ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; bệnh tim mạch; bệnh lý thần kinh; bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc corticoid… cũng nguy cơ diễn biến nặng khi mắc Covid-19.
Mức độ nhẹ: Trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng không điển hình như sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi.
Nhịp thở trẻ bình thường, không có biểu hiện của thiếu oxy, SpO2 trên 96% khi thở khí trời. Trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình, bú mẹ, ăn uống bình thường. Chụp X-quang phổi bé bình thường. Tuy nhiên, trẻ có bệnh nền: béo phì, bệnh phổi mạn, suy thận mạn, gan mật, dùng corticoid kéo dài, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh... theo dõi sát vì dễ diễn biến nặng. Trẻ nhẹ thì điều trị tại nhà hoặc nơi cách ly.
Mức độ trung bình: Trẻ có triệu chứng viêm phổi nhưng không có dấu hiệu viêm phổi nặng và rất nặng, SpO2 94 - 95% khi thở khí trời. Trẻ tỉnh táo, mệt, ăn uống ít hơn. Chụp X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ, thường ở 2 đáy phổi. Những trẻ này cần được đưa đến viện, có thể dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như oxy gọng kính, dùng thuốc kháng sinh, remdesivir...
Mức độ nặng: Trẻ có một trong các dấu hiệu gồm triệu chứng viêm phổi nặng song chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trẻ thở nhanh kèm co rút ngực hoặc thở rên, phập phồng cánh mũi, khó chịu, quấy khóc, ăn uống khó. SpO2 từ 90 đến dưới 94%. Chụp X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ lan tỏa trên 50% phổi.
Mức độ nguy kịch: Trẻ có các dấu hiệu như suy hô hấp nặng SpO2 dưới 90%, cần đặt nội khí quản. Các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng như tím tái, thở bất thường, rối loạn nhịp thở, ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê, bỏ hoặc không ăn uống được. Trẻ có thể mắc hội chứng suy hô hấp tiến triển, huyết áo tụt, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, hội chứng viêm hệ thống, cơn bão cytokin.
Trẻ nặng và nguy kịch cần điều trị tại ICU, dùng thuốc, hỗ trợ hô hấp theo chỉ định bác sĩ.
Chăm sóc, điều trị trẻ mắc Covid-19 như thế nào
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, về nguyên tắc điều trị bệnh nhi mắc Covid-19 cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc.
Thời kỳ hồi phục thường trong giai đoạn từ ngày thứ 7 đến 10 ngày. Nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.
Nếu bệnh nhân xuất hiện cơn bão cytokine, cần điều trị bằng corticoid, lọc máu, ức chế sản xuất hoặc đối kháng IL receptor. Cần bảo đảm trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần. Điều trị triệu chứng: Hạ sốt, giảm ho, giảm đau... cùng với điều trị bệnh nền (nếu có).
Biện pháp phòng bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng nhất, mỗi người cần tuân thủ "5K", kết hợp với tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi (đã được thực hiện ở một số nước), phát hiện sớm và phân tầng điều trị ca bệnh phù hợp với mức độ nặng của bệnh.
Theo Bộ Y tế, hiện chỉ có vắc xin Comirnaty (của Pfizer/BioNTech) chứng minh được an toàn và có hiệu quả tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với đối tượng là trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và một số nước đã áp dụng tiêm chủng cho trẻ trên 12 tuổi.
Các vắc xin khác đối với lứa tuổi dưới 12 tuổi vẫn đang được nghiên cứu. Trẻ thuộc đối tượng nguy cơ nặng, như béo phì, có bệnh nền và không có chống chỉ định, cần được ưu tiên tiêm chủng.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()