Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:53 (GMT +7)
Bốn cách tăng cường hệ miễn dịch để đối phó mùa cúm
Thứ 2, 17/10/2022 | 14:11:37 [GMT +7] A A
Các nhà miễn dịch học và chuyên gia sức khỏe đưa ra 4 cách đơn giản để phòng cúm, đặc biệt khi mùa lạnh gần đến.
Thời tiết đang vào mùa lạnh, đồng nghĩa với việc con người đối mặt với mùa cúm và mùa đông Covid-19 thứ ba. Theo tiến sĩ Helen Chu, nhà dịch tễ học, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại trường Y tế Công cộng, Đại học Washington, chỉ cần bị lạnh, bạn dễ bị ốm hơn. Virus cũng có xu hướng lây truyền hiệu quả nhất trong điều kiện thời tiết khô, lạnh. Do đó, bệnh truyền nhiễm thường tăng đột biến trong mùa đông.
Theo tiến sĩ Chu, đây là lúc để nghiêm túc tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Trên New York Times, các chuyên gia sức khỏe đưa ra 4 điều để đảm bảo hệ miễn dịch tốt cho đợt cúm vào mùa thu và mùa đông.
Vận động
David Nieman, giáo sư Sinh học tại Đại học Appalachian, người nghiên cứu về tập thể dục, dinh dưỡng và miễn dịch học, cho biết tập thể dục là cách tuyệt vời để tăng cường sức khỏe và giảm khả năng mắc bệnh. Trong nghiên cứu được công bố vào năm 2011, tiến sĩ Nieman cùng các đồng nghiệp đã theo dõi hơn 1.000 người trưởng thành sống ở North Carolina trong 3 tháng vào năm 2008.
Họ ghi lại thói quen lối sống của những người này, bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục, tiếp xúc với các sự kiện gây căng thẳng, cũng như tần suất họ bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm lạnh thông thường hoặc viêm thanh quản và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của chúng.
Tiến sĩ Nieman nói: “Yếu tố lối sống số một nổi lên là hoạt động thể chất. Những người tập thể dục từ 5 ngày trở lên mỗi tuần có nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên thấp hơn 43% so với những người tập thể dục ít hơn một ngày mỗi tuần. Nhưng ngay cả những người tập thể dục một chút - ít nhất 20 phút tập thể dục vừa phải (đơn giản như đi bộ nhanh) tối thiểu một ngày mỗi tuần - cũng tốt hơn người không tập”.
“Chúng tôi nhận thấy tác dụng này một phần là do tập thể dục kích thích các tế bào miễn dịch 'tuần tra cơ thể' đối với các tế bào bị nhiễm virus để có thể xác định và loại bỏ chúng”, chuyên gia nói thêm.
Ông khẳng định chỉ cần vài giờ tập thể dục vừa phải trong tuần là đủ để giúp tế bào miễn dịch lưu thông tối ưu. Các bài tập cũng không cần quá nặng. Mọi người chỉ cần đi bộ, khiêu vũ hoặc “vận động mạnh trên sân”.
Nghỉ ngơi
Tiến sĩ Nieman cho biết tập thể dục quá nhiều có thể khiến cơ thể bị ảnh hưởng và tạm thời ức chế hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các chuyên gia khác thừa nhận không có công thức đơn giản nào xác định việc tập luyện quá nhiều. Nhưng nếu bạn đột nhiên cảm thấy không khỏe hoặc liên tục mệt mỏi hay khi các bài tập dễ dàng trước đó trở nên khó khăn, đó có thể là tín hiệu cho thấy bạn cần giảm cường độ.
Theo Kathi Heffner, giáo sư Điều dưỡng, y khoa và tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon cũng có thể làm giảm khả năng chống lại virus. Mặc dù không phải mọi người đều yêu cầu thời lượng ngủ như nhau, tiến sĩ Heffner gợi ý người lớn cần ngủ 6-8 tiếng mỗi đêm.
Bà nói thêm giấc ngủ ngon cũng có thể giúp điều chỉnh thần kinh. Căng thẳng mạn tính khiến cơ thể giảm bớt phản ứng với vaccine và virus, tăng tình trạng viêm.
“Tất cả đều có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng cũng như mắc các loại bệnh mạn tính khác”, bà nói.
Giáo sư Heffner nói thêm ngay cả những yếu tố gây căng thẳng hàng ngày - từ công việc, đi đường hay chăm sóc con cái - cũng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Tiến sĩ Heffner cho biết giảm loại căng thẳng đó thường rất khó. Nhưng nếu bạn có thời gian để thư giãn, dù thông qua thực hành chánh niệm như thiền, yoga hay thậm chí chỉ là thời gian để làm điều gì đó thú vị, nó cũng giúp giảm căng thẳng, tăng cường hệ miễn dịch.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Tiến sĩ Nieman khẳng định chế độ ăn uống ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Theo chuyên gia, nhiều loại trái cây và rau có màu sắc rực rỡ như quả mọng, trái cây họ cam quýt, bắp cải đỏ và cải xoăn cung cấp lượng lớn flavonoid - hợp chất hóa học có trong thực vật có thể giúp cơ thể chống lại chứng viêm và bệnh tật.
Trà, cà phê, chocolate đen và một số loại ngũ cốc như kiều mạch cũng là nguồn cung cấp flavonoid dồi dào. Trong nghiên cứu của Tiến sĩ Nieman năm 2011, nhóm của ông phát hiện những người trưởng thành ăn ít nhất 3 phần trái cây mỗi ngày ít bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn trong suốt cả năm so với những người không ăn nhiều trái cây.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tiếp xúc với khói thuốc lá và uống quá nhiều rượu - hơn hai ly mỗi ngày đối với nam giới hoặc một ly mỗi ngày đối với phụ nữ - có thể suy giảm hệ miễn dịch. Giảm thiểu mức tiêu thụ rượu hoặc bỏ hút thuốc có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Tiến sĩ Chu nói thêm nếu đang tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, mọi người không cần phải bổ sung chất giúp cải thiện hệ miễn dịch. “Thực sự, chúng ta không có nhiều dữ liệu cho thấy thực phẩm chức năng giúp hạn chế tình trạng bị cúm hay tăng cường khả năng miễn dịch”, bà Chu nói.
Duy trì các biện pháp phòng dịch
“Có lẽ điều quan trọng nhất mà mọi người có thể làm ngay bây giờ là tiêm cả mũi tiêm nhắc lại Covid-19 và vaccine cúm càng sớm càng tốt”, tiến sĩ Chu nói.
Việc tiếp tục đeo khẩu trang giúp mọi người chống lại virus, không chỉ riêng SARS-CoV-2. Điều này đặc biệt quan trọng với người có hệ miễn dịch yếu.
Tiến sĩ Chu cho biết việc xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi tụ tập hoặc khi có triệu chứng cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho mọi người.
Tiến sĩ Heffner nói: “Một trong những điều chúng ta học được qua đại dịch này là vệ sinh quan trọng như thế nào. Rửa tay, giữ khoảng cách khi bị cảm lạnh, những việc như vậy có hiệu quả cao trong việc giữ gìn sức khỏe cho mọi người”.
Trên thực tế, tiến sĩ Chu cho biết vệ sinh tốt bao gồm cả việc ở nhà khi bạn có triệu chứng của bất kỳ loại nhiễm trùng nào. Tuy nhiên, mọi người thường cố gắng tiếp tục đi làm, đến trường khi bị ốm. Hành vi đó chỉ làm tăng khả năng phơi nhiễm và nguy cơ lây bệnh cho người khác. Vì thế, bà khuyên mọi người nên ở nhà nghỉ ngơi khi bị cúm.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()