Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:29 (GMT +7)
Bồi đắp những giá trị văn hoá, tinh thần
Chủ nhật, 03/03/2024 | 10:08:30 [GMT +7] A A
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Bình Liêu đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện hai tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6 và 16). Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.
Sau 13 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện miền núi biên giới Bình Liêu đã có nhiều đổi thay to lớn, đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao. Kết quả đó có được xuất phát từ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, đồng thời gắn chặt với công tác gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống địa phương.
Đồng chí Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Cụ thể hóa các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, huyện Bình Liêu đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi gắn với các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa. Du khách đến với Bình Liêu giờ đây không còn xa lạ với hình ảnh bà con dân tộc làm du lịch, phát triển các homestay giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương. Những ngày hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, ngày Kiêng gió của người Dao, Lễ hội đình Lục Nà của người Tày... đã trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, độc đáo của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản vật thể, phi vật thể tiếp tục được quan tâm, đầu tư xứng tầm. Huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó, vừa tạo môi trường cho nhân dân sinh hoạt, gìn giữ, bảo tồn văn hóa, vừa tạo dấu ấn đặc sắc thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân, tạo nguồn lực để tiếp tục đầu tư trở lại cho xây dựng NTM.
Sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân khi tham gia các phong trào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo gắn với phát triển du lịch, xây dựng NTM, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc chính là minh chứng cụ thể cho thấy sức lan tỏa của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới”, “Hộ gia đình đạt chuẩn nông thôn mới”... Từ các phong trào đã thúc đẩy nhân dân đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, 100% thôn, khu phố đã xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý, đời sống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ được duy trì, diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Hết năm 2023, toàn huyện có 85/86 thôn, khu đạt danh hiệu “thôn, khu văn hoá” (đạt 98,84%); có 6.924/7.780 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt 89%). Huyện cũng đã xây dựng đề án “Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức CT-XH trong tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ tập tục, tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu trên địa bàn huyện Bình Liêu giai đoạn 2023-2025” với mục tiêu nhằm góp phần làm tốt hơn công tác gìn giữ, bảo tồn văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.
Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa ở xã, thị trấn, thôn, khu phố tiếp tục được huyện đầu tư nguồn lực và huy động các nguồn xã hội hóa để hoàn thiện theo tiêu chí NTM. 6/6 xã trên địa bàn huyện đều có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, sân thể thao; 86/86 thôn, khu có nhà văn hóa đảm bảo các hoạt động sinh hoạt cộng đồng và hội họp của người dân. Từ đây, tạo cơ sở cho các hoạt động thể thao (bóng chuyền hơi, bóng đá nam, nữ, dân vũ) cùng các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian (hát Then - đàn Tính, hát Soóng Cọ...) được duy trì, hoạt động thường xuyên, sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Xuyên suốt mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của người dân, chương trình xây dựng NTM của huyện Bình Liêu không chỉ là câu chuyện xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, mà hơn hết còn là quyết tâm gìn giữ, bồi đắp những giá trị văn hóa, nền tảng tinh thần trong mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần xây dựng Bình Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()