Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 18:41 (GMT +7)
Bối cảnh Việt lên phim quốc tế: Thời cơ vàng
Thứ 4, 10/05/2023 | 14:13:23 [GMT +7] A A
Các chuyên gia cho rằng, đến lúc điện ảnh Việt cần thay đổi từ tư duy kiểm duyệt thành mời gọi các nhà làm phim nước ngoài.
Bối cảnh Việt Nam nhiều lần khẳng định sức hấp dẫn khi được các đoàn làm phim quốc tế lựa chọn. Không còn là những cảnh quay chớp nhoáng, yếu tố văn hoá bản địa và vẻ đẹp của thiên nhiên, con người dải đất hình chữ S để lại dấu ấn trong từng thước phim. Đây là tín hiệu vui cho quá trình đẩy mạnh quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam.
Cảnh đẹp giàu sức hút
Bộ phim hài lãng mạn A tourist’s guide to love (Hành trình tình yêu của một du khách) là phim quốc tế đầu tiên quay tại Việt Nam sau đại dịch COVID-19, với sự tham gia của hơn 200 thành viên đoàn phim. Biên kịch Eirene Tran Donohue kể câu chuyện tình yêu tại Việt Nam giữa một nữ du khách Mỹ và hướng dẫn viên bản địa. Kịch bản phim chưa được giới mộ điệu đánh giá quá cao, bù lại A tourist’s guide to love hút người xem nhờ bối cảnh đẹp.
Nhà làm phim khéo léo đưa người xem đi qua nhiều địa điểm từ Bắc đến Nam. Bên cạnh những thành phố quen thuộc với du khách quốc tế như TPHCM, Hà Nội…, ê-kíp cũng cất công lên Hà Giang quay một số phân đoạn. Những nét văn hóa, lịch sử đặc biệt thể hiện rõ trong những phân cảnh ở thánh địa Mỹ Sơn và Hội An (Quảng Nam). Nhiều khía cạnh độc đáo của ẩm thực Việt cũng được lồng ghép trong phim. Nạn “chặt chém” du khách cũng được đề cập nhưng với tình huống nhẹ nhàng, hài hước vừa đủ để tăng tính chân thực cho phim. Không quá khi nói bối cảnh và văn hóa Việt góp phần giúp A tourist’s guide to love lọt vào danh sách 10 phim hấp dẫn nhất ở 78 thị trường trên toàn cầu trên nền tảng Netflix.
Những năm qua, bối cảnh Việt Nam luôn có sức hút riêng với các nhà làm phim quốc tế, với tần suất và thời lượng xuất hiện ngày một nhiều. Năm 2001, Người Mỹ trầm lặng là phim Hollywood đầu tiên đưa lên màn ảnh rộng không gian phố xá Việt Nam những năm 50 của thế kỷ 20. Tác phẩm lấy bối cảnh giao thời, kể về sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến của Pháp tại Việt Nam. Hơn 50% cảnh phim được quay tại Việt Nam với các bối cảnh từ Bắc vào Nam như Hội An, Ninh Bình, Hà Nội, TPHCM.
Bom tấn Kong: Đảo đầu lâu (2007) từng gây xôn xao khi sử dụng 70% bối cảnh Việt Nam và là phim dùng nhiều cảnh đẹp Việt Nam nhất cho tới thời điểm đó. Cảnh sắc Việt Nam gây ấn tượng trong những trường đoạn khỉ Kong khổng lồ chiến đấu với quái vật. Năm 2015, phim điện ảnh Pan của đạo diễn Joe Wright có một số cảnh quay tại các địa danh nổi tiếng là Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long và Tràng An (Ninh Bình). Thời lượng xuất hiện của những địa danh khá dài, rõ nét và dễ nhận biết. Dãy núi đá vôi trùng điệp và vẻ đẹp hùng vĩ của Vịnh Hạ Long như mở ra cánh cửa bước vào thế giới thần tiên kỳ ảo của vùng đất Neverland.
Tác giả sách Ngọc Nick M - giảng viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD cho rằng, xu hướng phim quốc tế chọn Việt Nam làm bối cảnh chính này càng thấy rõ ở thời đại 4.0, bởi mọi thứ đều có thể tìm thấy trên mạng xã hội.
“Hình ảnh du lịch Việt Nam được quảng bá nhiều trên Facebook, YouTube, Instagram, TikTok lôi kéo không chỉ nhiều nhà làm phim mà cả các ngôi sao từ Hàn Quốc, Nhật Bản tới Hollywood đến du lịch kết hợp quay phim, chụp ảnh. Việt Nam có nhiều khung cảnh thiên nhiên độc đáo, chinh phục khán giả và các đoàn làm phim nước ngoài”, anh Ngọc Nick M nói.
Thứ tưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Bộ VHTTDL hướng tới kết hợp hai ngành phát triển mạnh nhất tại Việt Nam trong những năm qua và có tính hội nhập, lan tỏa quốc tế là điện ảnh và du lịch. “Dựa trên sự phát triển của điện ảnh cũng như sự lan tỏa đối với thế giới, việc kết hợp điện ảnh với thương hiệu du lịch Việt Nam sẽ giúp chúng ta thu hút thêm du khách quốc tế"- Ông Tạ Quang Đông nói.
Không nên ngồi chờ
Những thị trường đông dân, đông khán giả luôn là đích đến của các nhà làm phim. Trung Quốc trở thành thị trường quan trọng với Hollywood, thậm chí còn hơn cả Mỹ. Đó là lý do khiến trong nhiều phim Hollywood, khán giả thấy sự góp mặt của các ngôi sao Hoa ngữ bên cạnh các minh tinh, tài tử phương Tây. Khán giả châu Á - nơi tập trung đông dân nhất thế giới, đang được coi như “mỏ vàng” của các nhà đầu tư phim ảnh.
Riêng ở Việt Nam, để đưa ra chiến lược quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, cần có sự phối hợp với một quy trình cụ thể và rõ ràng ở nhiều ban, bộ, ngành cũng như mạng lưới cộng đồng làm phim. “Nhiều nhà làm phim ấn tượng với cảnh đẹp Việt Nam và muốn đưa lên phim nhưng vướng phải quy trình phức tạp, các đơn vị hỗ trợ chưa sẵn có trong lĩnh vực này và thường hoạt động kiểu mạnh ai nấy làm, phim ai nấy biết. Vì vậy, rất khó trong việc quảng bá du lịch”, anh Ngọc Nick M phân tích.
Nhà phê bình điện ảnh Hoàng Tuấn nhận định, Việt Nam đang yếu ở khâu thu hút các dự án phim điện ảnh quay tại Việt Nam.
“Vấn đề này nói nhiều, nói mãi và dự thảo Luật Điện ảnh cũng nhắc đến nhưng vẫn chung chung, tù mù. Để tháo gỡ nút thắt cơ chế, các cơ quan nhà nước cần nhìn rõ lợi ích của việc cho các nhà sản xuất phim quốc tế quay phim tại Việt Nam trong việc đóng góp cho ngân sách, hình ảnh và sự phát triển chung của đất nước. Từ đó xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay đổi từ tư duy kiểm duyệt thành mời gọi", anh Hoàng Tuấn nêu quan điểm.
Chuyên gia đề xuất các cơ chế thông thoáng, chính sách hỗ trợ sản xuất phim như hoàn thuế, giảm thuế, hỗ trợ kinh phí, tìm đơn vị xã hội hóa làm đầu tàu để xây dựng một gói dịch vụ thông tin chung cho các đoàn làm phim khi đến Việt Nam.
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure Tours (đối tác hỗ trợ hậu cần cho đoàn làm phim Kong: Đảo Đầu Lâu), cho rằng, bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn là bài học để nhiều quốc gia muốn quảng bá du lịch qua điện ảnh học hỏi. “Chúa tể những chiếc nhẫn giúp du lịch của New Zealand thu hút khách quốc tế. Chính phủ nước này đầu tư rất nghiêm túc cho việc quảng bá thay vì ngồi im chờ lộc tới”, ông Châu Á nói. Trong một khảo sát năm 2003, cứ 10 khách du lịch đến New Zealand thì có một người cho biết họ đến đây nhờ xem loạt phim đình đám của Peter Jackson.
Cảnh đẹp Việt Nam xuất hiện trên phim quốc tế thời gian qua cũng đóng góp không nhỏ để quảng bá du lịch Việt Nam.
Việt Nam chính là “ngôi sao” trong phim Mỹ Trong phim Mỹ quay tại Việt Nam đang gây sốt A tourist’s guide to love, cảnh sắc Việt Nam được nhận xét chính là “một ngôi sao” của bộ phim. Nam diễn viên gốc Việt Scott Ly đồng tình với nhận xét này của bạn diễn Rachael Leigh Cook. “Việt Nam có rất nhiều vẻ đẹp, cảnh đẹp, nhiều nét độc đáo. Từ Nam chí Bắc, chúng tôi quay phim khắp Việt Nam, và mỗi nơi một vẻ. Mỗi vùng miền của Việt Nam đều có vẻ đẹp riêng. Vẻ đẹp riêng về con người, về văn hóa, về ẩm thực và chỉ nhìn thôi cũng thấy đẹp rồi. Đó là một nơi tuyệt đẹp để quay, một nơi tuyệt đẹp để diễn xuất, để làm việc tại đó. Và đó là quê hương của tôi. Vì vậy, tôi yêu Việt Nam rất nhiều. Tôi rất vui vì quê hương đã được giới thiệu với toàn thế giới qua điện ảnh”, nam diễn viên Scott Ly chia sẻ. |
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()