Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:06 (GMT +7)
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết
Thứ 3, 26/09/2023 | 22:31:09 [GMT +7] A A
Bộ Y tế đánh giá, đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc sốt xuất huyết tại nhiều địa phương tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 87.719 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (215.934 ca mắc và 112 ca tử vong), số mắc giảm 59,4%, tử vong giảm 88 trường hợp. Trong tuần từ ngày 11 - 17/9/2023, cả nước ghi nhận 5.616 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong. Nhưng so với tuần trước đó, số mắc tăng 1,7%, số nhập viện tăng 2,1% với 4.249 trường hợp.
Bộ Y tế đánh giá, đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc sốt xuất huyết tại nhiều địa phương tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy…
Tại Hà Nội, chỉ trong một tuần đã ghi nhận thêm trên 2.400 người mắc sốt xuất huyết và 95 ổ dịch, cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.
Tổng số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội cộng dồn từ đầu năm đến nay là 12.776 ca (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (968 ca), Thạch Thất (889 ca), Thanh Trì (828 ca), Hà Đông (781 ca), Phú Xuyên (764 ca), Đống Đa (715 ca), Cầu Giấy (708 ca), Nam Từ Liêm (643 ca), Đan Phượng (593 ca), Bắc Từ Liêm (549 ca), Thanh Oai (533 ca).
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. Bất cứ ai cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết. Do đó, người dân không được chủ quan và tự ý điều trị khi nhiễm bệnh.
Tại Tiền Giang, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 2.336 ca mắc sốt xuất huyết, có 1 ca tử vong. Chỉ trong tuần từ ngày 11 - 17/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 56 ca, tăng 12% so với tuần trước, có ca chuyển nặng.
Trong tuần, tỉnh cũng đã ghi nhận, xử lý 17 ổ bệnh sốt xuất huyết (tăng 13,3% so với tuần trước), tổng số ổ bệnh đã phát hiện và được xử lý đến nay là 484. Huyện Cái Bè là đơn vị tuyến huyện có số ca mắc sốt xuất huyết Dengue vượt chỉ số báo dịch với số ca mắc cộng dồn là 700 ca.
Tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng, trong đó tỷ lệ bệnh nhân ở thể nặng, có dấu hiệu cảnh báo cũng tăng theo.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện đa khoa Đức Giang, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa)… số ca nhập viện vì sốt xuất huyết đều gia tăng, trong đó nhiều bệnh nhân chuyển nặng, phải thở máy…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong 3 ngày đầu người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, do đó người bệnh nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.
Người bệnh nên bù nước điện giải bằng đường uống, hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà. Nếu truyền dịch không đúng sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Đặc biệt, việc tự ý truyền dịch tại nhà rất nguy hiểm, nếu xảy ra sốc phản vệ, thì điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở bệnh viện. Khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn cũng có thể không bảo đảm bằng ở các cơ sở y tế. Trong khi đó, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được chỉ định truyền dịch.
Sau ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, người bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng hoặc có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()