Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:47 (GMT +7)
Bộ Y tế: Hỏa tốc tăng cường phòng tránh dịch chồng dịch đường hô hấp
Thứ 2, 01/08/2022 | 11:41:56 [GMT +7] A A
Để tránh dịch chồng dịch, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, cơ sở y tế tăng cường phòng chống COVID-19, cúm mùa và và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, số ca mắc bệnh COVID-19 có xu hướng tăng trở lại trên cả nước với sự xuất hiện của một số biến thể mới của chủng Omicron như BA.04, BA.05, BA.2.12.1... có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn.
Bên cạnh đó là dịch bệnh cúm mùa, sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương và đơn vị y tế cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống, không để dịch chồng dịch.
10.000 ca mắc COVID-19 mới trong 1 tuần
Theo thống kê của Bộ Y tế, so với tuần trước, trong tuần vừa qua số trường hợp mắc mới COVID-19 tăng hơn 40%. Tổng số ca COVID-19 trong tuần từ 25-31/7 là 10.062 trường hợp, trong đó ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất là ngày 29/7 với 1.803 ca COVID-19, cao nhất trong 75 ngày qua. Ngày 31/7 có 1.477 ca COVID-19, giảm gần 200 ca so với ngày trước đó.
Trong tuần qua, cả nước chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong (giảm 01 ca so với tuần trước).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.779.632 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.745 ca nhiễm).
Tổng số ca COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 9.913.396 ca; Trong số bệnh nhân đang theo dõi và điều trị hiện có 50 trường hợp thở oxy (tăng 8 trường hợp so với ngày 30/7), trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 46 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca.
Biểu đồ về số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 1 tuần qua:
Theo các chuyên gia, những biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại.
Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước đồng thời đây cũng là biến thể có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.
Các đơn vị y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch.
Trước những diễn biến trên, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt an toàn, hiệu quả, khoa học; tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.
Đặc biệt, các đơn vị y tế cần thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19 để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Hỏa tốc phòng tránh dịch chồng dịch
Về dịch cúm, theo Bộ Y tế hằng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000-1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa Hè-Thu, Đông-Xuân.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây, tuy nhiên số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (không phải chủng độc lực cao). Từ đầu năm đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và A/H7N9.
Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng và đã có sự gia tăng số mắc COVID-19 trong những ngày gần đây.
Để tránh dịch chồng dịch, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường phòng, chống COVID-19, cúm và dịch bệnh đường hô hấp.
Trong văn bản hỏa tốc về tăng cường phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp vừa gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022, trong đó chú trọng đến cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.
Các đơn vị y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng; đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị và địa phương tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nguy cơ... cùng các nội dung theo các khuyến cáo của Bộ Y tế như: Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thường xuyên đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi.
Người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị mà cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế; tăng cường chất dinh dưỡng, tập thể dục nâng cao thể trạng và đặc biệt là lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()