"Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay không còn phù hợp", Bộ trưởng Lan nói tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc, ngày 3/12. Thời gian đào tạo y bác sĩ dài hơn các ngành nghề khác, chưa kể đào tạo chuyên sâu, thực hành sau đó, học tập liên tục, nhưng đãi ngộ tiền lương lại không nhiều.
Vấn đề phụ cấp, thu nhập y bác sĩ lạc hậu, được Bộ trưởng Y tế và nhiều chuyên gia từng phản ánh. Cụ thể, theo quy định, mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng một, hạng đặc biệt. Phụ cấp ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng, ca mổ loại một 125.000 đồng cho phẫu thuật viên chính.
Với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, bác sĩ học xong 6 năm y khoa và sau 18 tháng thực hành (để được cấp chứng chỉ hành nghề), nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương hệ số 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Phụ cấp ưu đãi nghề là 40%, như vậy thu nhập của bác sĩ 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Tiến sĩ Đoàn Thu Trà, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho rằng so với ngành nghề khác, mức lương ngành y như trên rất thấp. "Cả một đêm trực vất vả, bác sĩ chỉ nhận được 115.000 đồng, trong khi để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ mất 6 năm học và 18 tháng thực hành hoặc dài hơn", bà Trà nói và thêm rằng các điều dưỡng còn khổ hơn. "Điều dưỡng phải thay bỉm, đổ bô, gội đầu... chăm sóc cho bệnh nhân hơn cả người nhà nhưng không có phụ cấp, không có tiền hỗ trợ", bà cho biết.
Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, tất cả bệnh nhân nặng dồn về, lượng công việc nhiều, áp lực lớn. Đa số điều dưỡng chỉ trông chờ vào đồng lương nhà nước, tổng thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng một tháng. Nhiều người phải đi làm thêm bên ngoài, bán hàng online để kiếm thêm đồng ra đồng vào, nuôi gia đình.
Ý kiến ()