Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:29 (GMT +7)
Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch: Kỳ vọng du lịch hồi sinh, bứt phá
Thứ 5, 03/02/2022 | 07:50:45 [GMT +7] A A
Sau hai năm điêu đứng vì dịch bệnh COVID-19 tàn phá, ngành Du lịch trong nước đang gồng mình gượng dậy và kỳ vọng trong năm mới 2022 sẽ hồi sinh, bứt phá.
Để có cái nhìn toàn cảnh ngành Du lịch thời gian qua, cũng như những bước đi mới của ngành công nghiệp không khói trong năm 2022, PV VTC News có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
- Sau hai năm gánh chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh COVID-19, bước sang năm 2022, ngành Du lịch đã có tín hiệu khởi sắc nào, thưa ông?
Trải qua hai năm chống chọi với đại dịch COVID-19, thế giới đang đứng trước những xu hướng mới: Dịch COVID-19 dần được kiểm soát, hợp tác quốc tế vaccine đẩy mạnh, nhiều quốc gia thay đổi phương thức phòng chống dịch bệnh theo hướng linh hoạt hơn.
Trong bối cảnh ấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục ưu tiên, tập trung cho công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, sớm phục hồi ngành Du lịch, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành Du lịch đặt mục tiêu năm 2022 phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Tôi cho rằng, có rất nhiều tín hiệu tốt để khẳng định ngành Du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi. Trong giai đoạn thí điểm đầu tiên, dù thời gian ngắn, Việt Nam đã đón hơn 1.000 khách quốc tế. Đặc biệt, khách quốc tế đã có phản hồi tích cực về chính sách mở cửa trở lại của Việt Nam và hài lòng với dịch vụ, sản phẩm vừa trải nghiệm. Chúng ta chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào từ các du khách quốc tế. Việc Việt Nam mở lại đường bay thương mại quốc tế sẽ là sự cộng hưởng tích cực để du lịch và hàng không phục hồi.
Đặc biệt, mặc dù dịch bệnh bùng phát mạnh, chúng ta đã tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2021 - Hoa Lư, Ninh Bình. Sự kiện góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi, phát triển và quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh Ninh Bình nói riêng, cả nước nói chung tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Ngay trong tháng 1/2022, Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách quốc tế, tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á và thị trường Nga. Các chuyến bay đón khách sẽ mở rộng quy mô, các địa phương như TP.HCM, Bình Định cũng đã có đề xuất tham gia chương trình thí điểm.
Nhiều địa phương đã chủ động tái thiết hoạt động du lịch nội tỉnh, nội địa. Trong thời gian ngắn, các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã có sự liên kết, xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao, thu hút được nhiều du khách, phù hợp bối cảnh mới. Trong đó, một số địa phương đã có sự chuyển biến tích cực về lượng khách nội địa như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Tháng 3 tới, Năm Du lịch quốc gia 2022 sẽ khai mạc tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và dự kiến bế mạc cuối tháng 12/2022. Rõ ràng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là việc chính quyền tỉnh Quảng Nam đang tăng cường quảng bá du lịch địa phương bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội…, dự kiến sẽ thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam.
- Sau hai năm bị hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch của người dân có xu hướng tăng cao. Ông có đánh giá thế nào về xu hướng du lịch của người dân trong thời gian tới?
Đối với thị trường khách du lịch nội địa, khách có xu hướng sử dụng sản phẩm du lịch trọn gói, các gói (combo) thiết kế sẵn dành cho các nhóm nhỏ hoặc du lịch gia đình, du lịch những điểm đến có khoảng cách gần. Xu hướng du lịch được linh hoạt trong sử dụng dịch vụ. Doanh nghiệp có các lựa chọn đa dạng, có chính sách linh hoạt sẽ nhận được nhiều quan tâm của khách du lịch. Những chính sách này đóng vai trò quan trọng trong quyết định đặt chỗ nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong chuyến du lịch.
Đối với thị trường khách du lịch quốc tế, bên cạnh sự dịch chuyển từ phát triển du lịch inbound, outbound sang du lịch nội địa, thị trường du lịch quốc tế gần với chương trình tham quan ngắn ngày sẽ phát triển mạnh hơn sản phẩm dài ngày dành cho du khách ở các thị trường xa khi du lịch quốc tế được mở cửa trở lại. Xu hướng du lịch điểm đến an toàn thân thiện. Xu hướng du lịch được bảo đảm về chăm sóc sức khỏe cũng như bảo hiểm cao hơn. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet để tìm hiểu kỹ trước chuyến đi.
- Vậy ngành Du lịch đã chuẩn bị những gì để đón nhận xu hướng này, thưa ông?
Du lịch ưu tiên hàng đầu việc bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến du lịch, an toàn cho khách du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo triển khai nghiêm túc Hướng dẫn tạm thời về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch và triển khai đến các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn áp dụng Hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 áp dụng đối với khu điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch; Giới thiệu rộng rãi và khuyến khích du khách sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để tra cứu thông tin du lịch an toàn, khai báo y tế, đánh giá điểm đến…
- Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh còn tiếp diễn, giải pháp trước mắt và lâu dài để kích thích tăng trưởng ngành Du lịch là gì, thưa ông?
Ngành Du lịch tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa toàn quốc, trong đó xác định một trong những quan điểm chủ đạo là gắn phục hồi, phát triển du lịch với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của ngành, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và triển khai đồng loạt trên cả nước với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”.
Nhiều địa phương đã ban hành và triển khai kế hoạch phục hồi du lịch cũng như bộ tiêu chí đánh giá an toàn điểm đến; Triển khai chương trình thí điểm mở cửa thị trường quốc tế; Nghiên cứu đề xuất mở rộng phạm vi thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ triển khai thực tiễn trong giai đoạn 1, tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.
- Trong năm 2022, ông kỳ vọng thế nào vào sự phát triển của du lịch nước nhà?
Các quốc gia trên thế giới đang dần chuyển sang thích ứng với hoàn cảnh. Từ phương châm “Zero COVID”, đến nay, nhiều quốc gia đã xác định “thích ứng, chung sống với COVID” để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới. Nhiều quốc gia đạt độ phủ vaccine cao trong cộng đồng đã triển khai nhiều mô hình như ‘bong bóng du lịch”, “hộ chiếu vaccine”…để thúc đẩy hoạt động du lịch trở lại bình thường.
Tại Việt Nam, phương châm phòng, chống dịch cũng đã có thay đổi, chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hiện nay, công tác phòng, chống dịch từng bước được thực hiện bài bản và hiệu quả. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao trên thế giới. Nhiều địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Huế (Thừa Thiên-Huế)…đã có độ phủ vaccine cao. Nhiều điểm đến du lịch khác đang khẩn trương thực hiện chiến dịch tiêm vaccine để đạt yêu cầu về an toàn phòng dịch. Đây là yếu tố cơ bản để ngành Du lịch phục hồi, tạo tiền đề cho sự bứt phá trên cả nước.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trước những dự báo về tình hình chung của thế giới và Việt Nam, ngành Du lịch đặt mục tiêu năm 2022 phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()