Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:17 (GMT +7)
Bộ trưởng Tài chính nêu lý do chưa trình phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Thứ 4, 29/05/2024 | 22:56:31 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, bộ hiện đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật khi chưa trình phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Theo quy định hiện nay, với những người có người phụ thuộc, thu nhập từ 17 triệu đồng/tháng trở lên mới phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp tháng 10/2025
Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 29/5, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan vấn đề chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Bộ trưởng cho biết, thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009. Tại thời điểm đó, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) áp dụng với bản thân người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Khi Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mỗi người phụ thuộc có mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, luật bổ sung thêm quy định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Đến năm 2020, Quốc hội có Nghị quyết 954 quy định mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ trưởng Phớc, theo quy định hiện nay, với những người có người phụ thuộc, thu nhập từ 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Người có 2 người phụ thuộc thì có thu nhập trên 22 triệu đồng mới phải nộp thuế thu nhập.
“Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng. Như vậy để nộp thuế là 11 triệu đồng thì cao hơn mức thu nhập bình quân là 2,2 lần. Trong khi trên thế giới là dưới 1 lần”, Bộ trưởng Tài chính lý giải lý do tại sao chưa trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, CPI năm 2023 chỉ tăng 3,25%, năm 2022 tăng 3,15%, năm 2021 tăng 1,84%…, trong khi theo luật thì CPI phải biến động trên 20% thì mới tăng mức giảm trừ gia cảnh.
“Điều này có nghĩa Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Trước đó vào sáng nay, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), cử tri cho rằng mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) là quá lạc hậu và cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm mà không nên chờ đến 2 năm (đến năm 2026) mới được thông qua như đề xuất.
Tiếp thu ý kiến đại biểu về vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Phớc cho biết, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, tức sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2026.
“Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026 thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp”, Bộ trưởng nêu rõ.
Sẽ có phương án mới giảm chênh lệch giá vàng vào tuần sau
Cũng tại phiên họp chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có giải trình, làm rõ thêm về các vấn đề liên quan thị trường vàng.
Phát biểu tại hội trường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, giá vàng tăng cao và biến động là biến động chung của các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp và cũng diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng và đặc biệt là giá vàng SJC.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt cả Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành phải thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24 để có thể thu hẹp về chênh lệch giá vàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng là một nhiệm vụ thách thức, bởi chúng ta thực hiện trong điều kiện giá vàng quốc tế vẫn liên tục tăng cao và phức tạp.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường và thời gian vừa qua thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã dừng đấu thầu để đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân cũng như xây dựng phương án mới để triển khai trong tuần tới, nhằm giảm chênh lệch giá vàng trong thời gian tới, đi đôi với minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng.
“Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt ở các bộ, ngành phải phối hợp từ tất cả các khâu để tăng cường minh bạch các giao dịch thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước đã quyết định lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn, chứng từ, các giao dịch về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Liên quan đến các kết quả đạt được mà các đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong 5 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô và tiền tệ tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, có một số vấn đề mà Chính phủ đang quyết liệt quan tâm chỉ đạo.
Về tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá ở mức độ tương đối cao. Trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tỷ giá có lúc tăng lúc giảm là điều hết sức bình thường. Chính phủ đã chỉ đạo phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã theo dõi rất sát. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng thực hiện các giải pháp, chính sách để điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp để bảo đảm nguồn ngoại tệ hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ sản xuất trong nước.
Với sự phát triển quay trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều này sẽ hỗ trợ cho cung-cầu ngoại tệ. Nhiều dự báo cho thấy, tỷ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt và Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm vấn đề điều hành của Chính phủ.
Đối với vấn đề tín dụng thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây cũng là vấn đề được đề cập ở nhiều kỳ họp trước và xu hướng tăng trưởng tín dụng thấp không chỉ ở Việt Nam mà đây là xu hướng chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các thành viên của Chính phủ, trong đó có Ngân hàng Nhà nước thực hiện rất nhiều các giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ, tín dụng tăng thấp có rất nhiều nguyên nhân đó là vấn đề đầu ra cả về xuất khẩu và đầu ra ở trong nước. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn về yếu tố pháp lý và Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các Tổ công tác để hướng dẫn các địa phương giải quyết.
Chính phủ vừa qua đã tăng cường chỉ đạo việc thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, qua đó sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp và từ đó sẽ kích hoạt tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần báo cáo và kiến nghị với 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có giải pháp tăng cường như bảo lãnh các doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng, qua đó sẽ thúc đẩy tín dụng cao hơn.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()