Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:23 (GMT +7)
Bộ trưởng lý giải làn sóng rút BHXH chủ yếu ở công nhân, công chức rất ít
Thứ 4, 07/06/2023 | 14:26:43 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian qua.
Bộ trưởng mời người cùng "bày mưu tính kế"
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/6 về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, bình quân có khoảng 500.000 người rút bảo hiểm/năm. Tuy nhiên, đến năm 2023, con số này tăng lên là 900.000 người. Đây là nguy cơ với hệ thống an sinh.
"Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không được hạn chế lại dẫn đến nguy cơ người già không có lương hưu, khó đảm bảo an sinh xã hội và hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm đương được tính bền vững", Bộ trưởng nói.
Phân tích nguyên nhân của sự gia tăng này, tư lệnh ngành lao động - xã hội cho biết, lý do căn cốt nhất bắt nguồn từ đời sống của người dân. Thu nhập thấp, khó khăn nên người lao động nghĩ ngay đến việc rút khoản tiền để dành cho tương lai. Đại bộ phận rút bảo hiểm một lần rơi vào công nhân lao động, ngược lại, công chức, viên chức rất ít.
Bên cạnh đó, khu vực phía Nam có người dân rút bảo hiểm chiếm tới 72%, phía Bắc và miền Trung ít hơn. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề rất phải lưu tâm.
Một nguyên nhân nữa được Bộ trưởng đề cập đến là không có một quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ dàng như Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Dung, Điều 60 của Luật Bảo hiểm 2014 có hiệu lực năm 2016 rất nhân văn, trong đó quy định 4 điều kiện rút bảo hiểm một lần. Khi luật chưa có hiệu lực, Nghị quyết 93 được ban hành và cho rút bảo hiểm một lần.
"Tôi đã mời trực tiếp đại diện được Liên Hợp quốc đánh giá là người giỏi nhất trong lĩnh vực bảo hiểm sang "bày mưu, tính kế" cách khắc phục điều này. Ông nói Việt Nam hào phóng quá, hào phóng cả chuyện cho rút bảo hiểm xã hội một lần và chuyện cho hưởng 75% khi rút", Bộ trưởng nói.
Theo thông lệ quốc tế, các nước chỉ cho rút trong trường hợp mắc bệnh nan y hoặc chuyển định cư nước ngoài. Còn ở Việc Nam, việc rút bảo hiểm xã hội một lần diễn ra... tự do.
Ngoài ra, quyền lợi khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần rất cao. Họ đóng 8%, nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của Nhà nước, của doanh nghiệp, mặc dù phần đóng của Nhà nước và doanh nghiệp cũng là cho người lao động. Chính vì thế, nhiều người thấy lợi trước mắt khi rời khỏi hệ thống. Hiện nay, khoảng 1/3 số người rút bảo hiểm đã quay trở lại tiếp tục tham gia bảo hiểm.
"Một nguyên nhân là việc tổ chức tuyên truyền, vận động. Tại sao, ở Hà Nội, cứ 10 người đi rút thì chính quyền vận động, thuyết phục được 6 người trở lại. Vậy nếu làm được thế ở TPHCM, Đồng Nai... thì sẽ giữ được một tỷ lệ không nhỏ công nhân không rút bảo hiểm", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ.
Người bán tháo, người lại phải thuê, mượn hồ sơ để tham gia bảo hiểm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực trạng việc mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm cũng đang diễn ra. Tháng 4/2023, có khoảng 3.700 trường hợp được phát hiện và xử lý.
"Việc mượn hồ sơ chủ yếu là người trong gia đình. Người này mượn tên, mượn tuổi, nghề nghiệp của người kia, sau đó tham gia bảo hiểm xã hội", ông nêu thực tế.
Trước đây, Bảo hiểm Việt Nam chủ yếu xử lý bằng cách cho 2 người trong gia đình này đến UBND xác nhận, điều chỉnh tên, điều chỉnh tuổi... hưởng chính sách.
Gần đây, theo quy định của pháp luật, để giải quyết việc trên phải đưa ra tòa án, tòa tuyên hợp đồng vô hiệu mới xong xuôi. Có như vậy, người lao động thực sự mới được hưởng đúng chính sách bảo hiểm của mình.
Bộ trưởng cho biết: "Chúng tôi cũng đang cùng với cơ quan Bảo hiểm xã hội nghiên cứu xử lý làm sao cho thấu tình đạt lý, đảm bảo để người lao động đóng bảo hiểm thật, hưởng thật".
Việc lạm dụng, trục lợi hưởng các chính sách như ốm đau, thai sản và một phần các bảo hiểm ngắn hạn, theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, chủ yếu phải xử lý theo luật và theo các quy định của pháp luật.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()