Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:53 (GMT +7)
Bộ trưởng Công an: Đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Thứ 3, 07/11/2023 | 17:16:24 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2024.
Tình trạng mua bán, lộ lọt dữ liệu đang rất nghiêm trọng
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trước khi đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công an, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) nêu thực tiễn: Tình hình thông tin cá nhân bị lộ lọt ngày càng nhiều. Những dữ liệu lộ lọt thường bao gồm nhiều thông tin quan trọng như số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân.
Việc này dẫn đến tình trạng người dân thường xuyên nhận được các thông tin, tin nhắn lừa đảo, đường link giả mạo hoặc bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau. “Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng vừa nêu?”, đại biểu Đào Chí Nghĩa đặt câu hỏi chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đồng tình: “Chúng tôi cũng đánh giá tình trạng mua bán, lộ lọt dữ liệu hiện nay ở Việt Nam là rất nghiêm trọng”.
Bộ trưởng Công an chỉ ra hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên, số lượng tội phạm đánh cắp dữ liệu cá nhân ngày càng lớn. Trong năm 2023, Bộ Công an đã xử lý hàng chục triệu vụ xâm nhập cơ sở dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân còn thấp. Cụ thể, người dân có thể dễ dàng cung cấp dữ liệu của mình cho người khác, cho doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự. Bộ trưởng nói: “Trong việc này, mình đã hơi dễ dãi”.
Đề xuất sửa đổi, xây dựng luật
Hiện nay, để xử lý các tội danh liên quan đến lộ lọt dữ liệu cá nhân, Việt Nam mới chỉ áp dụng Điều 288 của Bộ luật Hình sự về tội đưa và sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông để xử lý. Để xử lý hiệu quả vấn đề này, Bộ trưởng Công an đề xuất 5 giải pháp:
Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ ban hành nghị định số 13 ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo lộ trình của Đề án 06, trong kế hoạch năm 2024, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội xin cho ý kiến.
Đồng thời, Bộ trưởng Công an đề xuất bổ sung sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, thêm tội danh làm lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm hành vi này.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, tập trung vào thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là xác định và thực hiện nghiêm trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Thứ ba, tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp thông tin liên quan nếu pháp luật không quy định bắt buộc.
Thứ tư, tăng cường công tác nghiệp vụ, điều tra xử lý nghiêm các hành vi làm lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân và các hành vi sai phạm khác. Nhắc đến Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cam kết: “Chúng tôi bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin cho khối dữ liệu này”.
Các kết nối với các bộ, ngành trong quản lý thủ tục hành chính, các kết nối với nhân dân chỉ được thực hiện hiện khi đủ các điều kiện an toàn. Hiện nay, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, được bảo mật bởi hệ thống thông tin 4 lớp và chưa phát hiện ra một vụ việc nào lộ lọt.
Thứ 5, thường xuyên phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()