Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:57 (GMT +7)
Bố trí nguồn lực đủ mạnh để phát triển kinh tế biển
Thứ 7, 13/04/2024 | 07:37:06 [GMT +7] A A
Ngày 12/4, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã họp kỳ thứ nhất.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại kỳ họp cho thấy, sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36 của Trung ương và các Nghị quyết của Chính phủ, kinh tế biển đã có nhiều bước phát triển. Năm 2022, GRDP của 28 tỉnh/thành phố ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP cả nước. Du lịch và dịch vụ biển có sự phát triển nhanh chóng, tạo diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển, từng bước hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cao cấp.
Đặc biệt, quy mô ngành thủy sản ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất lớn. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2022 đạt 5,14 triệu tấn, khai thác 3,85 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8,8 tỷ USD lên gần 11 tỷ USD vào năm 2022. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế biển mới và năng lượng tái tạo đang được đẩy mạnh. Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch được phê duyệt (18 khu đã được thành lập), thu hút 553 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 54,36 tỷ USD; 1.604 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1,37 triệu tỷ đồng.
Tuy vậy, các báo cáo tại kỳ họp cũng đánh giá quy mô kinh tế biển còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và cũng chỉ mới tận dụng, khai thác hiệu quả được một phần vùng biển quốc gia, chưa có đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Hệ thống giao thông đường bộ ven biển chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng kỹ thuật biển còn yếu, chưa đồng bộ; chưa có nhiều cảng biển lớn tầm cỡ khu vực. Công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch chưa đồng bộ, thiếu bền vững. Đặc biệt, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân cho phát triển các ngành kinh tế biển chưa đủ sức hấp dẫn.
Thành lập quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, nguồn lực nhà nước đã được đầu tư rất nhiều cho các công trình, dự án phục vụ kinh tế biển như các khu công nghiệp ven biển, sân bay, đô thị, hạ tầng giao thông, hành lang kinh tế…Tuy nhiên, còn rất nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết 36 đề ra chưa đạt được. “Cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực đủ mạnh; đồng thời hình thành những mô hình, động lực mới cho kinh tế biển với những cơ chế chính sách đặc thù”, ông Dũng nói và đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy hoạch, ưu tiên “các dự án đầu tư không hối tiếc”, tập trung cho những ngành nghề mới trong lĩnh vực kinh tế biển.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm chủ trì nhóm công tác nhằm đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như: Xây dựng các bộ chỉ tiêu quốc gia về kinh tế biển; huy động nguồn lực; phát triển trung tâm năng lượng ngoài khơi, kết hợp nuôi biển công nghệ cao và dịch vụ hậu cần nghề cá; vận tải biển và logistics; nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển; phát triển đô thị biển; xây dựng cơ sở dữ liệu phục quản trị và thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển…
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam cần tập trung cho ý kiến chỉ đạo nhằm khẩn trương hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; các bộ chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Các bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu, triển khai việc thành lập quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, chính sách ưu đãi điện gió ngoài khơi, cảng biển.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()