Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 04:28 (GMT +7)
Bộ Tài chính tổng kết công tác tài chính và triển khai nhiệm vụ năm 2022
Thứ 5, 06/01/2022 | 17:18:51 [GMT +7] A A
Ngày 6/1, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành liên quan.
Năm 2021, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, thách thức, song với sự linh hoạt, chủ động trong điều hành, vừa triển khai các giải pháp thu ngân sách, vừa tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính - ngân sách.
Theo đó, trong tổ chức thực hiện thu ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020 và một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng về tài khóa, tiền tệ đã tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Qua đó, thu NSNN đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán năm 2021, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.
Đáng lưu ý là cùng với đóng góp quan trọng của ngành hải quan trong tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên đã vượt mốc 668 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD giúp thu ngân sách trên 379,6 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021, mục tiêu, giải pháp nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2022 của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chúc mừng những thành tích ngành tài chính đã đạt được trong năm 2021.
Trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt các chủ trương, chính sách kịp thời của Bộ Tài chính để tập trung quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống an sinh cho nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2021 ước tăng 10,28%, mức tăng cao hơn 0,21 điểm % so với cùng kỳ 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 52,4 nghìn tỷ đồng, đạt 118,6% dự toán Trung ương giao (Trung ương giao 44.222 tỷ đồng), bằng 107% cùng kỳ 2020. Trong thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về triển khai HĐĐT, đã có 9.058 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng HĐĐT, hoàn thành 100% Kế hoạch.
Năm 2022, thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Quảng Ninh xác định chủ đề năm là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Từ đó, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế, thu chi ngân sách.
Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất Bộ Tài chính xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền về một số cơ chế thời kỳ ổn định ngân sách; điều chỉnh giá than bán cho các hộ sản xuất điện và điều chuyển kinh phí ngân sách mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với điều kiện thực tế.
Năm 2022, Bộ Tài chính dự toán thu là 1.411,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa chiếm 83,35%; thu dầu thô chiếm 2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 14,1%; thu viện trợ chiếm 0,55%. Chi NSNN dự toán năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN 4% GDP.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những kết quả mà ngành tài chính đã đạt được, qua đó góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong năm 2021. Bước sang năm 2022, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ để thể chế, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào nhiệm vụ năm 2022. Đồng thời, Bộ cần chủ động bám sát, nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược về các vấn đề tài chính - NSNN cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, đảm bảo tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy thể chế.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính; chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế; nâng cao vai trò vị thế của tổ chức Đảng trong ngành Tài chính; góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất chất lượng dựa vào đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển ngành, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()