Danh tiếng của Sheikha Mayassa tăng vọt khi tạp chí Vanity Fair đưa tin bà đại diện Qatar trả 250 triệu USD (6,1 nghìn tỷ đồng) cho bức "Người chơi bài" của Cezanne trong một giao dịch bí mật năm 2011. Tranh sơn dầu ra đời năm 1890, mô tả hai người đàn ông Aix-en-Provence (Pháp) ngồi chơi bài. Tác phẩm là sự kết hợp hoàn hảo giữa hình học và nghệ thuật. Họa sĩ sử dụng màu sắc để phân tích đối tượng, hình khối lẫn phối cảnh. Ảnh: Metmuseum
Sheikha Mayassa chi 210 triệu USD (5,1 nghìn tỷ đồng) mua bức Nafea faa ipoipo? của danh họa Paul Gauguin. Trước đó, năm 2015, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin bức tranh được Rudolf Staechelin - cựu giám đốc điều hành của Sotheby's - bán cho một nhà sưu tập người Qatar giá gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, phiên tòa tranh chấp hồi tháng 7/2017 cho thấy tác phẩm được bán 210 triệu USD vào năm 2014, thấp hơn 90 triệu USD với thông tin ban đầu. Ảnh: AP
Theo CNBC, các chuyên gia nghệ thuật cho biết Sheikha tìm mua những tác phẩm tốt nhất, bất kể giá nào. Tốc độ mua tranh, số tiền bỏ ra đã đưa bà lên vị trí thứ nhất trong danh sách "100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới nghệ thuật năm 2013". The Economist gọi Sheikha là "phụ nữ quyền lực nhất thế giới nghệ thuật".
Theo Telegraph, Sheikha Mayassa là người mua bí mật đã trả 142,4 triệu USD cho tác phẩm "Three Studies of Lucian Freud" của Francis Bacon tại Christie's New York hồi tháng 11/2013.
Artnews cho biết hồ sơ của công chúa hầu như không tồn tại ở những nơi mua bán nghệ thuật. Sheika không đến thăm các phòng trưng bày, cũng không xuất hiện trong các phiên đấu giá hay hoạt động liên quan. Bà ủy thác việc mua hàng của mình cho một số cố vấn nghệ thuật giàu kinh nghiệm như Philippe Ségalot, Franck Giraud hay Guy Bennett.
Sheikha gây chấn động khi mua bức "White Center" (Vàng, hồng và hoa oải hương trên hoa hồng) của Mark Rothko giá 70 triệu USD trong phiên đấu giá của Sotheby's hồi tháng 5/2007. Đây là mức giá cao nhất từng được trả cho một tác phẩm nghệ thuật thời hậu chiến được bán đấu giá lúc bấy giờ, gấp ba lần kỷ lục trước đó của họa sĩ. Ảnh: Sotheby's
Trên Standard, một nhà buôn nghệ thuật ở London nhận định: "Đại diện Qatar trả quá nhiều tiền cho mọi thứ. Nó đã làm sai lệch các lĩnh vực lớn của thị trường nghệ thuật, điều này có hại cho mọi người - tất nhiên ngoại trừ người Qatar".
Một trong những thương vụ đình đám của công chúa là mua "Những người trong đời cô ấy" (1962) của Andy Warhol với giá 63,4 triệu USD (1,5 nghìn tỷ đồng) vào năm 2010 tại nhà đấu giá Phillips ở New York. Bức họa đen trắng lấy cảm hứng từ cuộc đời minh tinh Elizabeth Taylor. Ảnh: Phillips
Theo The Art Newspaper, Sheikha còn đứng sau vụ mua bộ sưu tập của nhà làm phim quá cố Claude Berri với giá 71,7 triệu USD (1,76 nghìn tỷ đồng), gấp đôi giá trị ước tính và 11 bức tranh của Rothko từng được treo trong căn hộ của nhà tài phiệt J. Ezra Merkin.
Sheikha chỉ đạo mua bức "Child with a Dove" của Picasso với giá 59 triệu USD (1,4 nghìn tỷ đồng) trong phiên của Christie's vào năm 2012. Tác phẩm được lưu giữ tại Anh từ năm 1924. Bộ trưởng Văn hóa Anh Ed Vaizey từng đặt lệnh cấm xuất khẩu tạm thời đối với bức tranh nhằm hy vọng tìm được người Anh mua lại bức tranh quý giá này nhưng cuối cùng không thành công. Ảnh: Christie's
Bà mua "Lullaby Spring" của Damien Hirst tại phiên đấu giá của Sotheby's năm 2007 với giá 19 triệu USD (468 tỷ đồng) - kỷ lục cho một nghệ sĩ châu Âu còn sống. Tác phẩm mô phỏng tủ thuốc thật - làm bằng chất liệu thép không gỉ dài 3m, chứa 6.136 viên thuốc - do chính tác giả sáng tạo. Ảnh: Sotheby's
Ý kiến ()