Tất cả chuyên mục

“Sản xuất tập trung và sản xuất ra hàng hoá nông sản theo tiêu chuẩn, chất lượng cao mới mong hội nhập với sự phát triển của toàn cầu”, đó là chia sẻ của Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) Trần Hoà. Từ suy nghĩ đó, ông đã xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc theo công nghệ tiên tiến. Trước khi xây dựng trang trại, ông Hoà đã bỏ nhiều công sức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số nước như Nhật Bản, Singapo, Thái Lan... Năm 2007, Công ty bắt đầu xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô hiện đại, mỗi chuồng có diện tích trên 1.000m2 để nuôi lợn hướng nạc công nghệ cao. Cho đến nay, hệ thống này đã phát triển rất mạnh, được coi như một mô hình mẫu cho nhiều trại nuôi khác ở Việt Nam. Tích luỹ bài học kinh nghiệm từ chính trang trại của mình, ông Trần Hoà đã xây dựng Bộ quy trình chăn nuôi lợn hướng nạc. Đây là một trong những giải pháp tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V (2014-2015) được Ban Tổ chức Hội thi đánh giá cao.
![]() |
Trang trại nuôi lợn hướng nạc của Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường. |
Ông Trần Hoà, Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường cho biết: Bộ quy trình chăn nuôi lợn hướng nạc có 4 quy trình chính là thú y, sinh sản, phát triển chăn nuôi thương phẩm và dinh dưỡng. Mỗi quy trình bao gồm nhiều yếu tố kỹ thuật khác nhau. Trong đó, con người là yếu tố hàng đầu tạo nên sự bền vững và thành công. Vì thế, việc phân bố nhân sự dựa vào các yếu tố trình độ chuyên môn, tay nghề công nhân, cơ cấu chuồng trại và công nghệ chuồng trại. Nhân sự phải được xếp theo chuyên môn hoá, phải có thủ tục kiểm tra chéo qua lại của các khu trong trại và thủ tục kiểm tra năng suất. Cùng với đó, việc ghi chép sổ sách quản lý đàn lợn cũng rất quan trọng. Công việc này đòi hỏi nhân viên thống kê, nhân viên kế toán trại có sự kiên trì, chính xác, để có số liệu cụ thể kỹ thuật, phân tích ưu, nhược điểm của các khâu sản xuất trong trại, từ đó có giải pháp đúng điều chỉnh và khắc phục kịp thời. Ghi chép đầy đủ về an toàn sinh học, vệ sinh sát trùng chuồng trại, chăm sóc các giai đoạn của lợn, cám, vắc-xin, cách ly heo bệnh và xử lý môi trường; năng suất của toàn trại, năng suất và chỉ tiêu đo lường từng con. Số lợn thịt xuất chuồng/nái/năm rất quan trọng để quyết định lợi nhuận cho một trại. Để đạt được kết quả 24-30 con lợn thịt xuất chuồng/nái/năm cần phải có mối liên hệ mật thiết ngược giữa các khâu sản xuất lợn trong trại. Cụ thể là lợn thịt ảnh hưởng từ kỹ thuật chăm sóc lợn choai; lợn cai sữa; lợn con theo mẹ; lợn mẹ nuôi con, lợn mang thai; lợn hậu bị và giai đoạn phối giống.
Ngày tuổi xuất chuồng 150-160 ngày đạt 100kg phụ thuộc vào tăng trọng từng ngày từ lúc lợn được sinh ra đến khi xuất chuồng. Trọng lượng sơ sinh, trọng lượng lợn cai sữa, số ngày lợn cai sữa đạt được 30kg, tỷ lệ bệnh, chăm sóc ảnh hưởng rất lớn đến ngày tuổi xuất chuồng lợn thịt.
Chuồng nuôi lợn choai, lợn thịt là vấn đề quan trọng. Ngoài việc thiết kế chuồng trại tốt, mật độ nuôi nhốt, tốc độ gió, ẩm độ và khí độc của chuồng nuôi thì nhiệt độ cần phải được quan tâm. Vì nhiệt độ cao sẽ làm giảm lượng ăn tiêu thụ hàng ngày dẫn đến giảm tăng trọng hàng ngày, tăng stress giảm đề kháng với bệnh. Nhiệt độ chuồng nuôi cho lợn choai không quá 30 độ C, lợn thịt không quá 28 độ C.
Giai đoạn lợn choai là từ 71-100 ngày, đạt trọng lượng từ 30-60kg rất quan trọng cho sự phát triển tăng trọng quầy thịt sau này. Lợn cái, lợn đực thiến khác biệt về trọng lượng cũng ở giai đoạn này. Đối với lợn đực thiến ở giai đoạn 71 ngày tuổi đến xuất chuồng nhu cầu dinh dưỡng cao hơn lợn cái 1-2% protein và năng lượng tiêu thụ hàng ngày cũng cao hơn 5-10%. Việc quản lý nuôi nhốt chọn lọc lợn đực thiến riêng với lợn cái nuôi đến xuất thịt cũng rất quan trọng, thời điểm chọn nuôi nhốt riêng lúc giai đoạn 70 ngày tuổi ở cuối kỳ của nuôi cai sữa.
Bệnh trên lợn choai, lợn thịt cũng thường xảy ra trong giai đoạn này. Để cải thiện giảm bệnh, các trang trại phải lưu ý vệ sinh chuồng trại sau khi xuất thịt, chăm sóc tiêm phòng kỹ giai đoạn lợn cai sữa và chăm sóc tiêm phòng kỹ giai đoạn lợn con theo mẹ.
Về mặt kỹ thuật, nuôi lợn hướng nạc tăng trọng nhanh, đạt tỷ lệ nạc cao, thì quy trình sinh sản cũng rất quan trọng. Do đó, các kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng lợn đực giống; chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái mang thai và đẻ được nêu rất chi tiết. Riêng phần kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái đẻ, bộ quy trình đã nêu đầy đủ các bước kỹ thuật như: Trước khi lợn nái đẻ; dấu hiệu lợn nái chuẩn bị đẻ; thời điểm lợn nái đẻ; thức ăn cho lợn nái đẻ và lợn nái nuôi con; những nguyên nhân lợn nái chết trước khi đẻ và sau khi đẻ... Ông Trần Hoà nói: “Theo nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng hiện thường sử dụng thịt lợn có lượng nạc cao. Do đó, người chăn nuôi thường chọn những giống lợn có tỷ lệ nạc cao và thích nghi được với điều kiện môi trường, khí hậu của Việt Nam. Do đó, quy trình sinh sản lợn hướng nạc là rất quan trọng”. Được biết, hiện trang trại lợn hướng nạc của Công ty trung bình mỗi năm sản xuất từ 11.000-12.000 con lợn giống.
Bộ quy trình nuôi lợn hướng nạc khép kín này được áp dụng rộng rãi không chỉ góp phần tăng sản lượng, chất lượng thịt mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Tường Vi
Ý kiến ()