Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:47 (GMT +7)
“Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội góp phần lành mạnh hóa môi trường mạng”
Thứ 3, 31/08/2021 | 09:51:18 [GMT +7] A A
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành có hiệu lực từ ngày 17/6/2021, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, về những vấn đề xung quanh Bộ Quy tắc này.
- Ông có thể đánh giá tính cấp thiết của việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH trong bối cảnh hiện nay?
+ Tham gia MXH là xu thế tất yếu trong thời đại cách mạng số. Tuy nhiên, công tác quản lý thông tin trên MXH hiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như: Nhiều người dùng MXH đang có những ứng xử kém văn minh, sử dụng MXH với hình thức ẩn danh để nói xấu các tổ chức, cá nhân khác, lan truyền nhiều thông tin tiêu cực, sai lệch, nhiều hành vi ứng xử lệch chuẩn, thậm chí là vi phạm pháp luật; các thế lực thù địch lợi dụng MXH để chống phá ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi công tác quản lý, xử lý thông tin sai phạm theo các quy định pháp luật trước đó vẫn còn nhiều bất cập…
Chúng ta đã có các quy định pháp luật điều chỉnh hành vi ứng xử chung trên MXH, như: Luật An ninh mạng; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/2/2020 "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử".
Tuy nhiên, trong bối cảnh MXH đang phát triển khó kiểm soát như hiện nay thì Bộ Quy tắc như một quy chế "mềm" dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia. Bộ Quy tắc chỉ cho cộng đồng biết chuẩn mực ứng xử trên mạng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc họ nên ứng xử như thế nào trên môi trường Internet để có sự thấu hiểu, tôn trọng nhau, là một công dân số có trách nhiệm. Qua đó, tạo đồng thuận của cộng đồng mạng cùng chung tay xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tích cực.
- Những điểm nổi bật của Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH là gì thưa ông?
+ Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH gồm có 3 chương, 9 điều, quy định rõ về mục đích, đối tượng, phạm vi áp dụng, nội dung của Bộ Quy tắc và tổ chức thực hiện. Quy tắc ứng xử chung được quy định gồm: Quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; quy tắc lành mạnh (hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); quy tắc an toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin); quy tắc trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên MXH, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).
Bộ Quy tắc áp dụng đối với 3 nhóm đối tượng: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH; tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Đáng chú ý, Bộ Quy tắc khuyến cáo cá nhân, tổ chức sử dụng MXH nên sử dụng họ, tên thật cá nhân; chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo...
Sau khi được ban hành, áp dụng vào thực tiễn, Bộ Quy tắc được coi như là những quy ước điều lệ của một cộng đồng sống trên cùng một không gian tự đặt ra và cam kết với nhau, qua đó điều chỉnh hành vi ứng xử của những người tham gia MXH, giúp cộng đồng ý thức về hành vi đúng, sai trên không gian mạng, đồng thời, đặt ra yêu cầu mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về những hành vi ứng xử, thông tin mà họ chia sẻ trên các mạng xã hội nói chung.
- Đến nay Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?
+ Ngay sau khi Bộ Quy tắc được ban hành, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên hạ tầng truyền thông của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở và MXH. Sở đã biên tập nội dung Bộ Quy tắc ngắn gọn thành dạng infographic và chuyển qua hệ thống mạng zalo đến hơn 981.000 người dùng trên địa bàn tỉnh.
Nắm bắt được xu hướng và mức độ ảnh hưởng của MXH, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã và đang sử dụng như một kênh cung cấp thông tin và tương tác với người dân. Việc sử dụng MXH của Quảng Ninh cũng được triển khai theo đúng nguyên tắc với các hệ thống trang fanpage DDCI từ cấp tỉnh đến địa phương trên MXH facebook; kênh Chính quyền điện tử Quảng Ninh trên mạng xã hội zalo hằng ngày vẫn cung cấp thông tin chính thống đến gần 1 triệu tài khoản zalo của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc khuyến khích người dân sử dụng MXH lành mạnh, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định, đăng bài, phát ngôn sai sự thật, gây lo lắng, hoang mang trong dư luận, thậm chí là xúc phạm làm ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức cụ thể.
Trong năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý 4 trường hợp đưa tin sai sự thật trên MXH gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Năm 2020 có 64 trường hợp tài khoản facebook bị xử phạt, tổng số tiền xử phạt hơn 200 triệu đồng; trong đó có 62 trường hợp bị xử lý do đưa tin sai sự thật tình hình, diễn biến và công tác phòng, chống dịch Covid-19. 6 tháng năm 2021 có 8 trường hợp bị xử lý do đưa tin sai sự thật trên MXH, tổng số tiền xử phạt là hơn 50 triệu đồng; trong đó có 6 trường hợp đưa tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng chống dịch, 2 trường hợp đăng tải thông tin xúc phạm lực lượng cảnh sát giao thông.
Thông tin về các trường hợp bị xử lý cũng được thông tin trên báo chí và MXH, qua đó một lần nữa cảnh báo mỗi người dân sử dụng MXH nâng cao ý thức khi tham gia MXH, thận trọng hơn với những phát ngôn của bản thân, cẩn trọng với những nút “like”, nút “share” để không lan rộng những thông tin thất thiệt hoặc tự đưa bản thân mình vào những rắc rối trên môi trường ảo, thậm chí là vi phạm pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thanh (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()