Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 06:59 (GMT +7)
Bỏ quy định xử phạt dây chuyền kiểm định, tăng chế tài xử phạt đơn vị đăng kiểm
Chủ nhật, 18/06/2023 | 16:04:26 [GMT +7] A A
Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị này vừa tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, có nhiều quy định mới nhằm tăng tính trách nhiệm của các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trong việc khắc phục sai phạm, nhận thức được hành vi vi phạm.
Nhiều chế tài xử phạt nghiêm được quy định rõ
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới cho biết, nghị định mới đã bỏ khái niệm xử phạt dây chuyền kiểm định bởi bản chất dây chuyền không có lỗi mà nếu xảy ra sai phạm thì đối tượng thực hiện chính là con người.
Nghị định cũng không còn giới hạn tạm đình chỉ hoạt động TTĐK trong khoảng từ 1-3 tháng mà cố định tạm đình chỉ 1 tháng nếu: Không đảm bảo một trong các điều kiện, yêu cầu quy định tại Nghị định và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm; có 2 lượt đăng kiểm viên bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP; phân công đăng kiểm viên kiểm định không phù hợp nội dung chứng chỉ đăng kiểm viên.
TTĐK cũng có thể bị tạm đình chỉ 3 tháng nếu thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; có từ 3 lượt đăng kiểm viên bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP hoặc từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục.
Đặc biệt, Nghị định bổ sung thêm một số chế tài xử phạt khác như: Trường hợp đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định do Bộ GTVT ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân; từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trái quy định pháp luật hoặc tiếp tục vi phạm một trong các trường hợp vi phạm trên (tăng nặng mức phạt cho hành vi tái phạm). Đáng chú ý, Nghị định 30 đã bỏ quy định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới nếu có từ 5 lượt đăng kiểm viên trở lên bị tạm đình chỉ, hoặc có từ 3 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian vừa qua, nhiều TTĐK có từ 3 đăng kiểm viên bị khởi tố vì những sai phạm trong hoạt động kiểm định. Tới đây, sau khi các vụ án được đưa ra xét xử, rất nhiều đăng kiểm viên sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên. Nếu giữ quy định trên có thể sẽ xảy ra tình trạng hàng chục trung tâm phải đóng cửa và dẫn đến khủng hoảng đăng kiểm lần nữa nếu không đáp ứng được nhu cầu kiểm định xe của người dân. Việc bỏ quy định này như tại Nghị định 30 sẽ tránh được tình trạng trên.
Ngoài các quy định trên, Nghị định 30 đã tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các vi phạm của đăng kiểm viên
Giá dịch vụ kiểm định hiện không còn phù hợp
Liên quan đến vấn đề giá dịch vụ đăng kiểm, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương xây dựng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới để sớm ban hành tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn thành phố.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ năm 2013 đến nay, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thay đổi trong khi đó, lạm phát liên tục tăng cao, tiền trượt giá, thậm chí, lương cơ bản cũng được tăng nhiều lần.
Việc này đã khiến các đơn vị đăng kiểm gặp khó khăn trong việc xoay xở chi phí hoạt động. Trong khi đó, việc sụt giảm lượng phương tiện đến đăng kiểm thời gian vừa qua do thay đổi quy định về chu kỳ kiểm định, miễn đăng kiểm lần đầu xe cơ giới cũng khiến các trung tâm đăng kiểm bị sụt giảm doanh thu, khó khăn trong duy trì hoạt động.
Không chỉ đăng kiểm xe cơ giới, chi phí trong đăng kiểm phương tiện thuỷ cũng có nhiều bất cập. Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm số 1 hiện nay đang phụ trách việc kiểm định phương tiện thủy nội địa của 16 tỉnh miền núi phía Bắc, để đăng kiểm một phương tiện thủy phải di chuyển từ Hà Nội lên các hồ thuỷ điện Thác Bà, Hoà Bình, Lai Châu nhưng với giá đăng kiểm quy định cứng hiện nay rất khó thực hiện. Cũng chính vì thế, việc xã hội hóa kiểm định phương tiện thủy chưa thể thực hiện được.
Về phương án xây dựng giá mới, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, căn cứ vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi), dịch vụ kiểm định vẫn là dịch vụ thiết yếu, do đó cần được Nhà nước quy định giá và không thể để thả nổi trên thị trường tuỳ theo các đơn vị đăng kiểm. Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng phương án giá mới cho dịch vụ kiểm định theo hướng tính giá ở từng công đoạn kiểm định tuỳ theo thời gian thực hiện, chi phí thực hiện, khấu hao, ngày công…
Đồng thời cũng xem xét phương án giá phù hợp với từng địa phương bởi các trung tâm đăng kiểm ở nội thành sẽ tốn kém chi phí thuê mặt bằng, xây dựng hơn so với các đơn vị ở vùng nông thôn.
Theo phương án giá này, nếu phương tiện không đạt ở công đoạn nào, sau khi khắc phục quay lại kiểm định lần 2, đơn vị đăng kiểm sẽ kiểm tra lại và chỉ thu tiền phí thực hiện đúng công đoạn đó, thay vì thu theo lượt kiểm định như hiện nay. Việc này sẽ đảm bảo độ chính xác, minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo cand.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()