Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:17 (GMT +7)
Bỏ quy định giá trần vé máy bay để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch
Thứ 7, 25/02/2023 | 10:59:21 [GMT +7] A A
Quy định khung giá trần vé máy bay là sự vô lý, kìm hãm tăng trưởng của hàng không nội địa nên cần chấm dứt càng sớm càng tốt. Việc sớm bỏ giá trần, linh hoạt quản lý theo cơ chế thị trường sẽ giúp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các hãng và phù hợp với lợi ích của người dân. Đó là quan điểm được đại diện các hãng hàng không và chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tại tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) tổ chức tại Hà Nội chiều 24-2.
Khung giá vé máy bay hiện được áp dụng theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 24-7-2015 về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Theo thông tư này, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức 1,6-3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này đã lỗi thời và đang kìm hãm sự tăng trưởng của hàng không nội địa. Chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam cho rằng, quy định này vẫn tồn tại đến nay là sự vô lý và cần chấm dứt càng sớm càng tốt. Trên thế giới không nước nào quản lý vé bay bằng giá trần.
“Thái Lan, Indonesia vé bay nội địa tự do không có giá trần, riêng Trung Quốc thì Nhà nước phê duyệt giá vé máy bay, không có hàng không giá rẻ nên không có giá trần. Quy định về giá trần cũng tước đi cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm của các hãng bay. Giá trần kìm hãm sự tăng trưởng của hàng không nội địa vì thị trường này hoàn toàn không phụ thuộc vào giá vé đắt. Thị trường nội địa càng nhiều vé rẻ sẽ tăng trưởng càng tốt”, ông Lương Hoài Nam dẫn chứng.
Đồng thuận với đề xuất bỏ quy định bỏ giá trần, Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ, các loại giá dịch vụ đầu vào đều tăng, trong khi giá thành cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành quá lâu, từ năm 2015. Bộ Giao thông Vận tải cần sớm xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật, theo thực tế yếu tố đầu vào; bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý Nhà nước nếu đường bay nào chỉ có 1 hãng khai thác.
"Việc bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà sẽ giúp các hãng bay chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn, qua đó cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng", ông Nguyễn Mạnh Quân bày tỏ.
Điều hành giá theo quy luật thị trường
Khẳng định ủng hộ bỏ giá trần để vận hành theo quy luật thị trường tạo nền tảng phát triển lành mạnh cho các hãng hàng không, song chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Nhà nước cần có các công cụ để giám sát, điều tiết nhằm tránh hiện tượng thao túng giá cả, độc quyền gây tổn hại đến người tiêu dùng.
Các chuyên gia cũng đề xuất, nên có một ủy ban độc lập quản lý hàng không. Trên cơ sở đó, các hãng hàng không đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, nhanh nhạy, kịp thời hơn so với thị trường, để phản ánh đúng đủ các biến số đầu vào như giá nhiên liệu, biến động của tỷ giá…
“Rất ít nước trên thế giới áp giá sàn và trần vé bay, sớm hay muộn nên bỏ giá trần và có công thức điều hành giá và tạo khung dao động bảo đảm mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân. Cơ chế quản lý giá có yếu tố đặc thù cho nên cần tham khảo kinh nghiệm của các nước để bảo đảm sự phát triển của ngành Hàng không ổn định lâu dài và bền vững”, Giáo sư Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định.
Theo Hà Nội Mới
Liên kết website
Ý kiến ()