Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:28 (GMT +7)
Bộ phim “Vùng mỏ, con người và lịch sử”
Chủ nhật, 24/04/2022 | 15:10:46 [GMT +7] A A
Bộ phim “Vùng mỏ, con người và lịch sử” có nhiều cảnh quay rất quý ghi lại khí thế hào hùng của ngày tiếp quản, giới thiệu nhiều hình ảnh xúc động, gương chiến đấu lao động sản xuất dựng xây Vùng mỏ và sự hiện diện của nhiều nhân vật lịch sử..
Phim được hoàn thiện năm 1985, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày tiếp quản Khu mỏ. Tác phẩm do Nghệ sĩ Vùng mỏ Đặng Huỳnh Thái viết kịch bản, NSƯT Vũ Phạm Từ đạo diễn, quay phim là NSND Nguyễn Đăng Bảy và nghệ sĩ Phạm Phúc Đạt, âm nhạc của nhạc sĩ Cao Việt Bách.
Bộ phim đã tái hiện lịch sử Vùng mỏ từ năm 1883, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Hòn Gai. Đây có thể coi như một bộ sử vắn tắt về Quảng Ninh bằng hình ảnh trong suốt chiều dài một thế kỷ. Mặc dù là phim tài liệu lịch sử nhưng bộ phim được sản xuất bởi Hãng phim truyện Việt Nam.
Bộ phim “Vùng mỏ, con người và lịch sử”, Nghệ sĩ Vùng mỏ Đặng Huỳnh Thái được giao nhiệm vụ viết kịch bản văn học. Thời điểm đó, đời sống kinh tế còn khó khăn nên việc hoàn thiện bộ phim cũng gặp nhiều thử thách.
Nghệ sĩ Đặng Huỳnh Thái kể: "Tư liệu hình ảnh có những cái từ xa xưa tản mát khắp nơi. Trước khi làm kịch bản, tôi đã phải đi khắp cả tỉnh để tìm lại tư liệu trong cả năm trời. Có tư liệu rồi mới về sắp xếp, biên tập lại một cách có hệ thống mới ra được kịch bản văn học. Cũng may tôi có thời gian làm báo, có nhiều mối quan hệ, lại có được sự ủng hộ nhiệt tình về chủ trương của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Liên hiệp Xí nghiệp Than Hòn Gai (tiền thân của TKV bây giờ) và anh em bạn hữu, đồng nghiệp nên tìm được những tư liệu rất quý".
Với độ dài 60 phút, bộ phim đã phác họa khá đầy đủ về quá trình hình thành ngành khai thác than ở Việt Nam, đời sống của những người thợ mỏ dưới thời Pháp thuộc cũng như những giai đoạn hào hùng ở thời kỳ chống lại chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, khôi phục và xây dựng Vùng mỏ đẹp giàu.
Nội dung chủ yếu của bộ phim có 3 phần: Phần thứ nhất kéo dài lịch sử một thế kỷ từ khi Pháp chiếm Vùng mỏ khai thác bóc lột công nhân. Phần 2 là công nhân đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và phần ba là từ giải phóng Khu mỏ năm 1955 đến năm 1985. Nội dung bộ phim tóm lược lịch sử Quảng Ninh trong vòng một thế kỷ với những nhân vật gắn với lịch sử vùng đất này, như: Đồng chí Đặng Châu Tuệ, Bí thư Chi bộ đầu tiên của Khu mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông, đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)...
Trong phim còn xuất hiện những nhân vật công nhân đã tham gia cuộc đình công năm 1936. Xem phim, chúng ta gặp lại những địa danh lịch sử, những phong cảnh cũ mà có thể hôm nay không còn nguyên hiện trạng như xưa nữa. Kế đến còn những sự kiện như: Binh đoàn Than ra trận, tàu “há mồm” chở tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hòn Gai, khí thế hào hùng của ngày tiếp quản... Phim còn có những cảnh mít tinh diễu binh diễu hành có đầy đủ cả xe tăng, tên lửa; cảnh tái hiện cuộc đình công năm 1936 với sự huy động những 3.000 người.
Sau khi hoàn thành, bộ phim đã được công chiếu vào những ngày lễ lớn của Vùng mỏ. Tuy nhiên, do thời gian đó điều kiện các phương tiện thông tin đại chúng còn nhiều khó khăn nên chỉ có thể chiếu ở rạp với số lần chiếu không nhiều. Biết được giá trị lớn của bộ phim, Nghệ sĩ Vùng mỏ Huỳnh Thái đã dày công lưu giữ, bảo quản bộ phim trong một thời gian dài.
Nghệ sĩ Vùng mỏ Huỳnh Thái đã chuyển bộ phim sang dạng kỹ thuật số với mong muốn gìn giữ, phát huy được giá trị và hiệu quả của bộ phim. Ông đã tặng lại cho tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bộ phim tư liệu gốc để làm tài liệu tuyên truyền và lưu giữ cho các thế hệ sau. Bộ phim là tư liệu tốt để góp phần tuyên truyền quảng bá cho tỉnh, cho ngành than, bồi đắp truyền thống của giai cấp công nhân và truyền thống Vùng mỏ anh hùng.
Nghệ sĩ Đặng Huỳnh Thái mong muốn: Khu vực trưng bày không gian khai thác mỏ của Bảo tàng tỉnh mà phát phim này thì tốt quá vì nội dung hình ảnh rất sinh động. Các trường đào tạo nghề mỏ phát cho học sinh, sinh viên xem cũng rất hay, giúp lớp trẻ hiểu được về truyền thống ngành Than, hiểu công việc làm mỏ giai đoạn trước mà yêu hơn nghề nghiệp mình đang gắn bó, theo đuổi…
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()