Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị sở hữu hơn một phần ba các nguồn sản xuất điện, và quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống truyền tải và phân phối điện. Trong khi đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN. Việc tách A0 khỏi tập đoàn nhằm minh bạch lợi ích giữa bên bán và mua điện.
A0 vận hành các khâu truyền tải, phân phối điện, để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm vận hành các nhà máy điện; khai thác, điều tiết hồ chứa; xử lý sự cố hệ thống điện 500 kV. Việc tách A0 khỏi EVN đã được nêu trong Quyết định tái cơ cấu ngành điện năm 2017 nhưng chưa được thực hiện.
Góp ý với Thủ tướng ngày 18/6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, việc chuyển A0 về Bộ Công Thương là phù hợp với các chủ trương để tiến tới đơn vị này hoạt động độc lập, không chung lợi ích với bên bán điện và mua điện.
Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm này nên là Công ty TNHH MTV sẽ phù hợp với quản lý, vận hành thị trường điện theo cơ chế thị trường, thay vì đơn vị hành chính sự nghiệp như đề xuất trước đó của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, hiện đủ cơ sở pháp lý để A0 hoạt động theo mô hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
"A0 hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV sẽ có điều kiện thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ điều độ hệ thống điện quốc gia và phù hợp với cơ chế điều hành giá, phí", Bộ trưởng Nội vụ nhận xét.
Nếu sau khi tách từ EVN về Bộ Công Thương, A0 hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp, sẽ rất khó thu hút nhân sự, và việc chuyển đổi này vướng nhiều quy định pháp lý về tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách, đấu thầu đặt hàng, quản lý giá phí. Chưa kể, là đơn vị sự nghiệp công lập, A0 sẽ không tách bạch chức năng kinh doanh với quản lý nhà nước, cũng như chưa đáp ứng được lộ trình phát triển của trung tâm này.
Việc chuyển đổi này cũng giúp tạo điều kiện vận hành cơ chế thị trường trong mối quan hệ giữa đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia với đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện theo quy định của Luật Điện lực.
Bộ trưởng Nội vụ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn thiện phương án chuyển nguyên trạng A0 từ EVN về Bộ Công Thương và xây dựng đề án chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện, thị trường điện thuộc Bộ Công Thương.
A0 sẽ cùng cơ quan điều tiết điện lực (thuộc Bộ Công Thương) quản lý thị trường điện. Việc này nhằm khắc phục những bất cập hiện nay trong quản lý thị trường điện.
Trước đó, để tránh xáo trộn nhân lực, dẫn tới rủi ro về vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hệ thống điện, Bộ Công Thương đề nghị có cơ chế tài chính đặc biệt để duy trì mức lương, phụ cấp tương đương mức các kỹ sư điều độ đang hưởng. Bình quân lương cán bộ kỹ sư tại Trung tâm điều độ điện quốc gia là 40 triệu đồng một người một tháng.
Bộ Công Thương cũng muốn có lộ trình phù hợp chuyển nguyên trạng tài sản, nhân sự hiện nay của A0 từ EVN sang Bộ và kiến nghị sửa các quy định liên quan đến điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN; nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) được thành lập từ 1994, đảm nhận việc điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện.
EVN đang trong thời gian bị thanh tra về việc cung ứng điện, trong bối cảnh người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc từ đầu tháng 6 thường xuyên bị mất điện. Lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng Hà Nội, điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 8/6, mức tiêu thụ bình quân đạt hơn 85,6 triệu kWh.
Ý kiến ()