Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:34 (GMT +7)
Bộ LĐ-TB&XH trả lời kiến nghị duy trì tăng mức tiền lương tối thiểu vùng hằng năm
Thứ 6, 08/09/2023 | 08:54:47 [GMT +7] A A
Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Duy trì thực hiện tăng mức tiền lương tối thiểu vùng hằng năm, không kéo dài hơn 1 năm để công nhân lao động yên tâm, tích cực lao động sản xuất có thu nhập đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình. Từ ngày 1/7/2022, mức tiền lương tối thiểu vùng đã tăng, đời sống của công nhân lao động đã được cải thiện. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, phí, lệ phí tăng (tiền điện, gas, nước, thực phẩm, học phí, viện phí...) nên một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mức lương hiện tại chưa đáp ứng được cuộc sống tối thiểu cho người lao động và gia đình, nhiều công nhân sau thời gian làm công việc chính thức phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Về nội dung này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Bộ luật Lao động hiện không quy định thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu cụ thể mà chỉ quy định các yếu tố làm căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu, gồm: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung - cầu lao động, việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. Khi các yếu tố làm căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu thay đổi thì Chính phủ xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vào thời điểm thích hợp trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Thông thường, mức lương tối thiểu được xem xét, điều chỉnh sau 1 năm thực hiện và áp dụng từ ngày 1/1. Một số trường hợp đặc biệt, thời điểm điều chỉnh hoặc khoảng thời gian duy trì mức lương tối thiểu sẽ được thay đổi khi tình hình thực tế có sự biến động lớn đến các yếu tố xác định mức lương tối thiểu, nếu điều chỉnh theo thông lệ có thể xảy ra tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động (Ví dụ trường hợp duy trì mức lương tối thiểu từ ngày 1/1/2020 đến ngày 1/7/2022 do tác động của Covid-19).
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo các cơ quan lao động tại địa phương nắm tình hình cung - cầu lao động, việc làm cho người lao động, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho người lao động, nhất là những lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ phân tích, đánh giá tình hình thị trường lao động, làm cơ sở để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia xác định phương án lương tối thiểu để khuyến nghị Chính phủ trong thời gian tới.
Đặng Dung (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()