Nội dung này được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra tại dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19, vừa trình Thủ tướng. Dự thảo nghị quyết đưa ra 4 nhóm giải pháp cấp bách, được xây dựng trên cơ sở loạt kiến nghị từ doanh nghiệp, nêu tại cuộc họp với Thủ tướng diễn ra tuần trước.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp vốn bị tổn thương, giờ lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Hiện, các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm; sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp cũng đã tiếp tục suy giảm.
Bốn nhóm giải pháp được dự thảo nghị quyết đưa ra, gồm phòng, chống Covid-19 linh hoạt, hiệu quả; lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
Ở nhóm giải pháp các biện pháp phòng, chống Covid-19, trọng tâm là ưu tiên và bổ sung tiêm vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu; người lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.
Về đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, Chính phủ giao các bộ: Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn... không quy định thêm các điều kiện cản trở lưu thông, nhất là với hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho doanh nghiệp đến tháng 6/2022. đến tháng 6-2022.
Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD. Cùng với việc tiếp tục giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú, Chính phủ giao Bộ Công Thương, Tài chính khẩn trương xây dựng lại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu, Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ban hành; thuế ưu đãi với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống Covid-19 sau khi được Chính phủ thông qua.
Đồng thời, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; đánh giá tác động để tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp lữ hành được tạm thời rút tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa và quốc tế; giảm thời gian giải quyết rút tiền ký quỹ từ 60 ngày xuống 30 ngày; tiếp tục gia hạn giảm phí cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.
Cuối cùng, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đưa ra chính sách linh hoạt về cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới.
Bộ Lao động, Thương binh & xã hội cũng được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ trong tháng phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ một năm. Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh & xã hội cùng Ngân hàng Nhà nước sửa đổi quyết định 23 về quyết toán thuế và nợ xấu từ khi có dịch với điều kiện vay vốn để trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bộ Ngoại giao được yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh "ngoại giao vaccine"; vận động, thúc đẩy đối tác, cung cấp vaccine đúng cam kết; thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh nghiên cứu, đàm phán, công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine" với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.
Cũng theo dự thảo nghị quyết, các địa phương tự "quyết" phương án sản xuất kinh doanh "3 tại chỗ", "2 điểm đến, 1 cung đường". Theo đó, Chính phủ sẽ giao địa phương cùng doanh nghiệp chủ động, thống nhất và quyết định, chịu trách nhiệm về phương án sản xuất, kinh doanh "3 tại chỗ", "2 điểm đến, 1 cung đường" phù hợp trong điều kiện diễn biến Covid-19 ở địa phương, thực tế của doanh nghiệp. Các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại khi đáp ứng các điều kiện sản xuất. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, địa phương báo cáo Tổ công 7 tác đặc biệt của Thủ tướng để hỗ trợ, giải quyết.
Ý kiến ()