Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:43 (GMT +7)
Bộ GTVT nói gì về phần mềm mô phỏng trong sát hạch lái xe?
Thứ 5, 25/08/2022 | 08:08:10 [GMT +7] A A
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Kim Liên (Nghệ An), hiện nay nhiều ý kiến cho rằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trong sát hạch lái ô tô có nhiều bất cập, thiếu thực tế và đánh đố người thi.
Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông thì phức tạp và nhiều lỗi. Mỗi bản có một cách chấm điểm khác nhau. Bản online cũng cho ra kết quả khác, có những khung điểm rơi vào tình huống vô lý và khó hiểu, chỉ có thể nhận biết qua mẹo và không thực tế. Có nhiều trường hợp người thi bấm đúng ngay tình huống sắp xảy ra vẫn bị tính 0 điểm, trong khi thực tế có người lái xe đã phải thao tác sớm hơn để tránh rủi ro.
Có ý kiến cho rằng nên đưa thêm thời gian học đường trường và học thêm ở sa hình vào trong quá trình học lái xe thì mới thiết thực, rèn luyện thực tế trong quá trình người học thực hành, còn học trên mô phỏng cũng giống như học vẹt.
Bên cạnh đó, cần phải thử nghiệm, tập huấn phần mềm mô phỏng trên ở phạm vi nhỏ trước để khắc phục lỗi, cải tiến cho hoàn chỉnh hơn thì mới áp dụng ra toàn quốc, không thể đã cho phổ biến luôn. Việc đưa phần thi mô phỏng vào thi có thể khiến có những thí sinh thi đến 10 lần cũng không thể cầm nổi được tấm bằng lái xe ô tô trên tay.
Do đó, bà Liên kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nêu rõ nguồn chuẩn, chính thức các lý thuyết trong chấm điểm sát hạch lái xe vì việc sát hạch hiện nay chưa được quy chuẩn mà các học viên do thiếu điều kiện tìm hiểu chỉ ôn được qua các "giáo trình", các "mẹo" do các thầy trường sát hạch truyền lại.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Việc thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông" đã được quy định tại Điểm b, Khoản 8, Điều 1 Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe, Điểm a, Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT và Khoản 12, Điều 2 Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT ngày 27/1/2021 của Bộ Giao thông vận tải.
Về quá trình xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng của DVSA (Anh), VicRoad (Australia), Nhật Bản, Singapore… để xây dựng 120 kịch bản mô phỏng các tình huống gây mất an toàn giao thông xảy ra trong thực tế (các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) để người đọc nghiên cứu, nhận biết, phán đoán và đưa ra phương án xử lý để bảo đảm lái xe an toàn. Phần mềm đã được chuyển giao cho các cơ sở đào tạo từ ngày 8/12/2021 và đã bổ sung vào nội dung sát hạch từ ngày 1/6/2022.
Mục đích của phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông nhằm thông qua phần mềm, người học nhận biết các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thường gặp và các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đang phát triển khi tham gia giao thông ở các điều kiện, môi trường giao thông trên đường bộ khác nhau, kể từ đó người học nhận biết, phân tích và xác định từng giai đoạn xảy ra trong một tình huống giao thông, cụ thể như: Giai đoạn bắt đầu tình huống, các dấu hiệu chuẩn bị xuất hiện tình huống, diễn biến của tình huống, kết thúc tình huống.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()