Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:34 (GMT +7)
Bộ GDĐT lý giải việc áp dụng cách tính điểm ưu tiên đại học năm 2023
Thứ 2, 06/03/2023 | 16:59:00 [GMT +7] A A
Để tạo công bằng cho thí sinh các vùng miền, từ năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học.
Áp dụng cách tính điểm ưu tiên mới
Để tạo công bằng cho thí sinh các vùng miền, Bộ GDĐT cho biết, từ năm 2023, Bộ sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên.
Theo đó, mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).
Công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.
Hiện nay, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75; khu vực 2 - nông thôn là 0,5; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.
Điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng là mức điểm Nhà nước dành cho các thí sinh diện đặc biệt theo quy định nhằm tạo sự công bằng do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều. Quy định điểm cộng ưu tiên khu vực đã gây tranh cãi trong nhiều năm, và đến nay, vẫn có những ý kiến trái chiều do quy định đối tượng hưởng điểm còn bất cập, chưa hợp lý.
Sau nhiều lần điều chỉnh, mức độ điểm ưu tiên giảm dần theo thời gian. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75.
Vì sao chọn ngưỡng tính điểm ưu tiên là 22,5?
Lý giải việc lựa chọn ngưỡng tính điểm ưu tiên là 22,5 thay vì các con số khác, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, mức điểm này được Bộ xác định dựa trên cơ sở khoa học, phân tích dữ liệu.
"Qua phân tích dữ liệu cho thấy chỗ nào hợp lý, chỗ nào chưa hợp lý thì cần được điều chỉnh để làm sao đảm bảo tương thích trong học tập và công bằng giữa các thí sinh" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Trước đó, Bộ GDĐT thông tin, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại.
Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên.
Như vậy, việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy sự bất hợp lý là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỷ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên.
Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh xét tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao, dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn 30.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT đặc biệt lưu ý, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp và một năm kế tiếp. Ngoài ra, với những em đạt điểm khá, giỏi, khi cộng điểm ưu tiên, điểm sẽ giảm dần.
"Từ tổng 3 môn đạt 22,5 trở lên, điểm ưu tiên sẽ giảm dần. Từ điểm 30 sẽ không cần áp dụng điểm ưu tiên. Tôi tin, với tổng điểm 3 môn đạt 30, các em không cần đến điểm ưu tiên để vào ngành, trường mà mình mong muốn" - bà Thuỷ nhấn mạnh.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()